Home / Kiến Thức / Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000

Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000

Trong bối cảnh nhu cầu và áp lực từ phía người tiêu dùng ngày càng tăng lên, các đơn vị bán lẻ yêu cầu các nhà cung cấp phải chứng minh được khả năng tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Hiện nay có rất nhiều tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong số đó, tiêu chuẩn ISO 22000 là tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Mục tiêu của hệ thống ISO 22000 là giúp các doanh nghiệp chế biến, sản xuất thực phẩm kiểm soát được các mối nguy từ khâu nuôi trồng, đánh bắt cho tới khi thực phẩm được sử dụng bởi người tiêu dùng, nhằm đảm bảo an toàn về thực phẩm.

Khi muốn thực hiện chứng nhận ISO 22000, các Doanh nghiệp đều phải đảm bảo thực hiện các Chương trình tiên quyết (GMP, SSOP…) nhằm hạn chế các mối nguy đối với thực phẩm, phải xây dựng một hệ thống kiểm soát bao gồm: các quá trình, thủ tục kiểm soát, hệ thống văn bản hỗ trợ….

Tiêu chuẩn ISO 22000 là gì?

ISO 22000 là tiêu chuẩn do Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) xây dựng tập trung vào an toàn thực phẩm. Tiêu chuẩn này có liên hệ với tiêu chuẩn ISO 9000. Tên đầy đủ là ISO 22000 Food safety management systems – Requirements for any organization in the food chain (Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm – Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm).

ISO 22000 là tiêu chuẩn được chấp nhận và có giá trị trên phạm vi toàn cầu. Một doanh nghiệp trong chuỗi cung cấp thực phẩm áp dụng và đạt được chứng chỉ ISO 22000 được nhìn nhận là một đơn vị có hệ thống quản lý tốt an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo cung cấp các sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng.

Đối tượng nào nên áp dụng ISO 22000?

ISO 22000 có thể được áp dụng ở bất kỳ tổ chức nào được liên quan một cách trực tiếp hoặc gián tiếp trong chuỗi thực phẩm bao gồm:

  • Các nông trại, ngư trường và trang trại sữa
  • Các nhà chế biến thịt, cá và thức ăn chăn nuôi
  • Các nhà sản xuất bánh mì, ngũ cốc, thức uống, thực phẩm đông lạnh hoặc đóng hộp.
  • Các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm như nhà hàng, hệ thống cung cấp thức ăn nhanh, các bệnh viện và khách sạn và những nhà bán thực phẩm lưu động.
  • Các dịch vụ hỗ trợ bao gồm lưu trữ và phân phối thực phẩm và cung cấp thiết bị chế biến thực phẩm, phụ gia, nguyên vật liệu, dịch vụ dọn dẹp và vệ sinh và đóng gói.

Tóm lại, một phần hoặc toàn bộ các yêu cầu của ISO 22000 sẽ áp dụng cho bất kỳ sản phẩm nào tiếp xúc với ngành thực phẩm hoặc chuỗi thực phẩm.

Bốn yếu tố chính của tiêu chuẩn ISO 22000 là:

Trao đổi thông tin: Các thông tin rất cần thiết nhằm đảm bảo các mối nguy được xác định và kiểm soát một cách đầy đủ ở mỗi giai đoạn trong suốt chuỗi cung ứng thực phẩm. Trao đổi thông tin với khách hang và các nhà cung ứng về các mối nguy đã được xác định và các biện pháp kiểm soát hướng đến đáp ứng công khai các yêu cầu của khách hàng.

Quản lý hệ thống: Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả nhất được thiết lập, vận hành và cập nhật trên cơ sở cấu trúc của hệ thống quản lý và hợp nhất với các hoạt động quản lý chung của tổ chức. Điều này đem lại lợi ích tối đa cho tổ chức và các bên hữu quan. Tiêu chuẩn này được liên kết với tiêu chuẩn ISO 9001 nhằm tăng độ tương thích của hai tiêu chuẩn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này vẫn có thể áp dụng một cách độc lập với các hệ thống quản lý khác khi điều hành quản lý tại một cơ sở sản xuất thực phẩm.         

Các chương trình tiên quyết (PRPs: Prerequisite programmes): Các chương trình tiên quyết – PRPs là các điều kiện cơ bản và hoạt động cần thiết để duy trì một môi trường vệ sinh xuyên suốt chuỗi cung ứng thực phẩm. Các điều kiện và hoạt động này cần phù hợp với yêu cầu sản xuất, sử dụng và cung cấp sự an toàn đối với sản phẩm cuối cùng cũng như người tiêu dùng. PRPs là một trong những chuẩn mực “cần và đủ” để các cơ sở đủ điều kiện tham gia sản xuất thực phẩm.

Các nguyên tắc của HACCP: 7 nguyên tắc của HACCP.

  • Nguyên tắc 1: Tiến hành phân tích các mối hiểm nguy
    Xác định các mối nguy tiềm ẩn ở mọi giai đoạn ảnh hướng tới an toàn thực phẩm từ sơ chế, chế biến, phân phối cho tới khâu tiêu thụ cuối cùng. Đánh giá khả năng xuất hiện các mối nguy và xác định các biện pháp kiểm soát chúng.
  • Nguyên tắc 2: Xác định các điểm kiểm soát tới hạn (CCP: Critical Control Points)
    Xác định các điểm kiểm soát tới hạn tại từng công đoạn của chuỗi cung ứng thực phẩm cần được kiểm soát để loại bỏ các mối nguy hoặc hạn chế khả năng xuất hiện của chúng.
  • Nguyên tắc 3: Xác định các ngưỡng tới hạn
    Xác định các ngưỡng tới hạn không được vượt quá nhằm đảm bảo khống chế có hiệu quả các điểm kiểm soát tới hạn.
  • Nguyên tắc 4: Thiết lập hệ thống giám sát các điểm kiểm soát tới hạn
    Xây dựng hệ thống các chương trình thử nghiệm hoặc quan sát nhằm giám sát tình trạng của các điểm kiểm soát tới hạn.
  • Nguyên tắc 5: Xác định các hoạt động khắc phục cần phải tiến hành khi hệ thống giám sát cho thấy tại một điểm kiểm soát tới hạn nào đó không được thực hiện đầy đủ
  • Nguyên tắc 6: Xác lập các thủ tục kiểm tra để khẳng định hệ thống HACCP đang hoạt động có hiệu quả.
  • Nguyên tắc 7: Thiết lập hệ thống tài liệu liên quan đến mọi thủ tục, hoạt động của chương trình HACCP phù hợp với các nguyên tắc trên và các bước áp dụng chúng.

Tiêu chuẩn ISO 22000 được các chuyên gia trong ngành công nghiệp thực phẩm xây dựng trong phạm vi của ISO, cùng với đại diện của các tổ chức quốc tế chuyên ngành thực phẩm và sự hợp tác chặt chẽ với Uỷ ban tiêu chuẩn hoá thực phẩm Codex, cơ quan đồng thành lập bởi Tổ chức nông lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để xây dựng các tiêu chuẩn về thực phẩm.

Tin mới

Hồ sơ xin giấy vệ sinh an toàn thực phẩm ở TP.HCM

Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm đã không còn là khái niệm xa …

Hotline: 0918 828 875