Home / Tin Tức / Chợ thực phẩm an toàn

Chợ thực phẩm an toàn

Thông tin UBND thành phố Hồ Chí Minh xây dựng dự án mô hình chợ thực phẩm an toàn trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đang thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng. Theo dự án, trong năm nay, mô hình này sẽ được thí điểm thực hiện tại chợ Bến Thành và chợ đầu mối Hóc Môn.

Thời gian qua, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được xã hội hết sức quan tâm. Tại kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa qua, vấn đề ATVSTP cũng được nhiều đại biểu nêu ra, thu hút sự quan tâm sâu sắc của đông đảo cử tri và các tầng lớp nhân dân thành phố…

Có thể nói, thực phẩm bẩn, không an toàn đang là mối lo lắng, thậm chí là nỗi ám ảnh hằng ngày đối với nhiều hộ gia đình. Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số cửa hàng bán thực phẩm an toàn. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống bày bán đều có bao bì, ghi rõ xuất xứ, hạn sử dụng; cảm quan tươi ngon, vệ sinh, thu hút khá đông người mua. Cùng với đó còn có các “gian hàng” rao bán thực phẩm trên mạng in-tơ-nét với các lời quảng bá: “Rau, củ, quả nhà trồng; từ quê gửi lên thành phố; không sử dụng phân bón vô cơ, không phun hóa chất…”. Điều này chứng tỏ nhu cầu thực phẩm sạch, an toàn của người dân thành phố là rất cao. Tuy nhiên, số cửa hàng như vậy còn khiêm tốn, thường tập trung chủ yếu ở các quận trung tâm và có giá rất cao so với thực phẩm cùng loại bày bán ở chợ cho nên chỉ hợp túi tiền của người có thu nhập từ khá trở lên.

Nhìn tổng quan, ngoài hệ thống siêu thị, chợ truyền thống vẫn đang là nơi cung cấp thực phẩm hằng ngày cho phần lớn người dân thành phố, nhất là người có thu nhập thấp, trung bình ở khu vực ngoại thành, vùng ven, chung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất… Các chợ cung cấp đủ loại thực phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng từ rau xanh, thịt gia súc, gia cầm đến thực phẩm chế biến… Nhiều loại thực phẩm ở đây không rõ nguồn gốc xuất xứ; không được bảo đảm an toàn vệ sinh. Ngoài thực phẩm bày bán ở chợ, quán ăn đường phố, nhất là quán hàng rong cũng là những nơi cung cấp cho người tiêu dùng các loại thực phẩm không an toàn. Theo báo cáo của Sở Y tế tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, toàn thành phố có gần 21.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nhưng chỉ có 53% đạt chất lượng ATVSTP…

Việc thành phố có kế hoạch xây dựng mô hình chợ thực phẩm an toàn được rất nhiều người hoan nghênh. Tuy nhiên, xây dựng mô hình chợ thực phẩm an toàn, suy cho cùng vẫn chỉ mới quản lý, kiểm soát ở khúc giữa của khâu phân phối lưu thông. Vấn đề đặt ra là phải kiểm soát từ khâu sản xuất, sơ chế, quá trình lưu thông đến tay người tiêu dùng. Muốn vậy, cần tuyên truyền, vận động người sản xuất, chế biến hiểu rõ những nguy hại do thực phẩm không an toàn gây ra cho sức khỏe cộng đồng, từ đó nâng cao ý thức, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSTP; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai nguyên tắc, không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra chất lượng các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ đầu mối, kiên quyết không chấp nhận rau, cá, thịt không bảo đảm vệ sinh vào chợ.

Được sử dụng thực phẩm an toàn là yêu cầu cấp bách của người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng của thành phố cần sớm triển khai dự án, đáp ứng nhu cầu chính đáng và sự mong mỏi của nhân dân

Theo nhandan.com.vn

Tin mới

Xử phạt hơn 55 triệu đồng đối với Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Cường Anh Authentic

(NTD) – Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã ban hành quyết …

Hotline: 0909 89 87 83