Ăn nhiều cơm nguy cơ mắc tiểu đường
TS. BS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, người Việt thường có thói quen ăn nhiều cơm mà không hề biết rằng trong cơm chứa nhiều đường. Nếu ăn nhiều cơm sẽ khiến lượng đường trong máu cao và kéo dài là nguyên nhân chủ yếu gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới cuộc sống và chất lượng cuộc sống.
Ăn gạo trắng, nhìn đẹp mắt nhưng ít dinh dưỡng
Cũng theo TS. BS. Đỗ Thị Phương Hà cho biết, các loại gạo trông rất trắng và đẹp mắt do quá trình xay xát kỹ nên đã làm mất đi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1, chất xơ…
Ăn cơm nhiều không hề tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Cơm chan canh có thể gây đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm- Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhiều người thường có thói quen ăn cơm là phải chan với canh, bởi như thế cơm sẽ dễ nuốt trôi vào dạ dày, dễ ăn hơn. Nhưng ít người biết khi nhai thức ăn, enzyme trong nước bọt tiết ra sẽ hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn rất có lợi cho sức khỏe.
Nếu vừa ăn cơm vừa chan canh khiến cơm bị mất đi chất protein, làm giảm giá trị dinh dưỡng của cơm. Mặt khác, ăn cơm chan canh lâu ngày sẽ làm cho hệ tiêu hóa, cũng như hoạt động của thành ruột, dạ dày trở nên lười biếng, ít tiết dịch để co bóp hơn, gây ra các bệnh liên quan đến hệ thống tiêu hóa như đau dạ dày, tá tràng, rối loạn tiêu hóa… Điều này càng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Chỉ ăn cơm không ăn cùng chất xơ
Vẫn theo PGS Nguyễn Thị Lâm, cơm là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Song khi ăn cơm nhiều người chỉ chú trọng ăn kèm thức ăn mặn có nguồn gốc từ đạm và chất béo mà bỏ qua rau củ. Thậm chí, nhiều người không hề ăn rau. Đây là một sai lầm khi bỏ qua tầm quan trọng của chất xơ trong các bữa ăn hàng ngày.
Theo đó, chất xơ có chủ yếu trong trái cây, rau, ngũ cốc còn nguyên cám, các hạt họ đậu. Chúng có tác dụng ngăn chặn cảm giác thèm ăn ngăn chặn béo phì. Đồng thời trước lo ngại ăn nhiều tinh bột gây đái tháo đường, chất xơ từ rau củ rất hữu ích trong việc tạo ra “màng lưới” làm chậm quá trình đường hấp thu vào máu. Do đó, khi cơ thể nạp tinh bột, việc tiêu thụ nhiều rau và trái cây sẽ luôn là trợ thủ đắc lực. Từ đó, hạn chế các căn bệnh như tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa…
Theo PGS Lâm, khi ăn cơm, chúng ta cần phải cân đối 3 nhóm chất còn lại bao gồm chất béo, đạm và vitamin, khoáng chất, nhất là không được quên ăn thêm nhiều rau củ. Trong đó, nên tăng cường ăn rau xanh lá. Ngoài ra, khi chế biến rau củ, chuyên gia khuyên nên ăn ngay bởi trong quá trình đun nấu, lượng vitamin có thể tan biến từ 70-80%, nếu để lâu, số còn lại cũng sẽ không còn.
Ăn cơm nguội dễ gây tiêu chảy, mệt mỏi
Ăn phải cơm nguội để lâu quá nhiều ngày sẽ rất dễ đưa bệnh vào người – đây cũng là một khuyến cáo của PGS Lâm trước thói quen tận dụng cơm nguội của nhiều bà nội trợ, đặc biệt tại các quán cơm rang.
Đặc biệt, kể cả khi cơm nguội không có dấu hiệu biến chất, chua, thiu hoặc đã được rang hoặc hâm nóng lại thì vẫn có thể gây ngộ độc thực phẩm với các biểu hiện điển hình là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi…
Do đó, chuyên gia khuyến cáo mọi người chỉ nên ăn cơm nóng hoặc cơm nóng vừa được để nguội. Nếu ăn không hết, cơm phải được bảo quản trong tủ lạnh, không quá 24h, không ăn khi cơm có các dấu hiệu bất thường.
Chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, mọi người nên chọn nhóm thực phẩm giàu đạm cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống và tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật; Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ…
An Dương (T/h)