Home / Kiến Thức / Cần biết về máy đo an toàn thực phẩm

Cần biết về máy đo an toàn thực phẩm

Với tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng đáng lo ngại như hiện nay, các bà nội trợ đang phải tìm mọi cách để tự bảo vệ sức khỏe cho mình và gia đình. Trên một số diễn đàn và mạng xã hội Facebook, nhiều chị em chia sẻ hình ảnh và công dụng của thiết bị được gọi là máy đo độ an toàn trong thực phẩm SOEKS có nguồn gốc từ Liên bang Nga. Theo quảng cáo, loại máy đó có khả năng nhận biết lượng dư chất hóa học tồn đọng trong hoa quả, thực phẩm và đưa ra các cảnh báo đối với người dùng. Với khả năng nhận biết khá chi tiết chỉ số của từng loại thực phẩm và đưa ra các cảnh báo trực tiếp nên/không nên sử dụng thực phẩm, loại máy đo này đang được dùng khá phổ biến.

máy đo an toàn thực phẩm
Máy đo an toàn thực phẩm cầm tay nhỏ gọn hiện đang phổ biến trên thị trường

Các loại máy đo an toàn thực phẩm

Loại máy trên có 2 phiên bản: phiên bản Nitrat Ekotester SOEKS đo được cả bức xạ phóng xạ và độ tồn dư nitrat có giá khoảng 6,5 triệu đồng, phiên bản chỉ đo được độ tồn dư nitrat Nitrat Tester NUC 019-01 có giá khoảng 4,5 triệu đồng. Đây là các dòng được nhập khẩu trực tiếp. Còn có loại được xách tay giá mềm hơn, chỉ khoảng 3,5 triệu đồng nhưng không có tiếng Việt nên ít được ưa chuộng hơn.

Theo cảm nhận, thiết bị nhỏ gọn, khá chắc chắn. Máy đo và đưa ra được chỉ số nồng độ hóa chất còn tồn dư và cảnh báo vượt hay không vượt ngưỡng cho phép đối với các loại thực phẩm riêng biệt. Đi kèm là bảng giới hạn dư lượng Nitrate trong thực phẩm với khoảng 60 loại thực phẩm thường gặp.

Máy đo SOEKS này được Bộ Y tế cấp phép từ tháng 8/2014 và bắt đầu xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ cuối 2014. Nhưng phải đến thời gian gần đây, thiết bị đo nồng độ an toàn thực phẩm trên mới được biết đến rộng rãi.

Đầu kim để cắm vào thực phẩm
Đầu kim lớn để cắm vào trong thực phẩm

Thông tin có được qua một vài điểm bán hàng trên mạng cho thấy máy SOEKS có khả năng đo khá chính xác được nồng độ Nitrate tồn đọng trong thực phẩm. Nitrate được biết đến là lượng tồn đọng còn lại khi sử dụng quá nhiều phân bón hóa học hay các hóa chất bảo quản chứa gốc Nitrat để ép chín hoặc giữ tươi hoa quả, thực phẩm. Ngoài ra, tình trạng sử dụng muối diêm để phù phép thịt ôi, thối thành tươi ngon cũng khiến cho nồng độ Nitrat có trong thực phẩm cao hơn.

Máy sản xuất ở dạng kit cầm tay rất nhỏ gọn. Để sử dụng, người dùng chỉ cần cắm đầu kim vào thực phẩm và bấm máy. Sau quá trình hoạt động 20 giây, máy sẽ đưa ra cảnh báo trực tiếp nếu lượng Nitrate quá cao.

máy đo an toàn thực phẩm
Máy cắm trực tiếp vào thực phẩm và cho kết quả nhanh rất tiện lợi. Có danh sách lựa chọn tương ứng với từng loại thực phẩm

Liệu đã đủ để nhận biết thực phẩm an toàn ?

Tiện lợi là vậy, nhưng nhiều bà nội trợ vẫn phân vân vì loại máy này không đo biết có đo được tồn dư thuốc sâu và các loại hóa chất bảo quản trong thực phẩm, mà chất đó hiện mới là phổ biến. Ngoài ra để người bán hàng ở chợ cho cắm thử vào thực phẩm để đo ngay tại chỗ cũng là vấn đề nan giải, khi mà hầu hết người bán đều ngại vấn đề này.

Trên diễn đàn OtoFun.net, một thành viên chia sẻ, gia đình có mua thiết bị đo dư lượng hóa chất Nitrat, nhưng đem đi chợ thì không bà bán hàng nào cho đo thử. Thành viên khác cho biết, mới đo thử một số loại hóa quả, máy cho kết quả là không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, vị này cũng phân vân, không biết không đạt yêu cầu ở mức độ nào.

Đem những thắc mắc trên trao đổi với một số chuyên gia về hóa chất, vấn đề này cũng được các chuyên gia cho rằng máy đo hóa chất trên chưa giải đáp hết những lo lắng cho người tiêu dùng.

Một vị giáo sư ngành hóa thuộc đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết thực phẩm bị nhiễm độc (ô nhiễm) là do hàng tỷ tác nhân, chứ không chỉ có NO3 và phóng xạ. Các nguồn gốc làm thực phẩm bị nhiễm độc thường là phần tồn dư trong thực phẩm,ví dụ như từ phân bón: phần tồn dư, tích tụ lại trên sản phẩm như phân đạm có NO3; phân super phốt phát có các kim loại nặng… hay từ phân hữu cơ (do quá trình phân hủy chưa hoàn tất) khi dùng phân tươi, thì dẫn tới bị nhiễm giun sán, vi trùng…vv.

Loại khác là từ thuốc trừ sâu. Ví dụ như các chất Clore hữu cơ mạch thơm – dioxin hoặc các hợp chất có kẽm, đặc biệt là với kim loại nặng vv…, là những chất có độ tích tụ sinh học cao (do chất quá bền vững, để phân hủy được phải mất một thời gian hơn cả đời người), dẫn đến nhiều loại bệnh hiểm nghèo cho con người.

Ngoài ra còn có nguyên nhân từ các chất tăng trưởng, nhiều chất trong nhóm này đã bị cấm; chất bảo quản, ví dụ hoa quả ngâm trong Na2SiF6 (Natri silicfluciate), thịt cá tẩm với phân đạm vv…đây là những phương pháp bảo quản đã bị cấm.

Thực phẩm còn bị nhiễm độc trong quá trình lưu thông khi tiếp xúc với nguồn ô nhiễm hoặc đã bị phân hủy, ví dụ thịt cá để lâu có thể bị biến chất, không chỉ là các ổ chứa vi trùng mà còn tạo ra các sản phẩm có hại (như cá, tôm để ươn có thể tạo ra Histamin, có thể gây nôn mửa, dị ứng; hay như hoa quả để ở chỗ bẩn, bị nhiễm bán sinh hoặc hóa học. Có một thời, quả dưa lê sau khi thu hoạch được người ta cho xuống ngâm trong nước cống để nó tạo ra màu vàng đẹp, nhưng hậu quả là quả dưa bị nhiễm độc và thị trường đã tẩy chay kiểu tạo màu cho dưa này, vị giáo sư chia sẻ.

Như vậy, có thể thấy, một thực phẩm bị nhiễm độc là từ rất nhiều các tác nhân. Nếu loại máy trên chỉ đo 2 thành phần thì người tiêu dùng không nên quá tin tưởng tuyệt đối rằng dùng máy đó sẽ có được loại thực phẩm an toàn.

Vệ sinh an toàn thực phẩm –  tổng hợp

Tin mới

đảm bảo an toàn thực phẩm

Khẩu hiệu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tháng hành động năm 2020

Sau đây là những khẩu hiệu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tháng …

Hotline: 0909 89 87 83