Không những bán sản phẩm nước tinh khiết Quaglog không có hạn sử dụng vẫn đưa ra thị trường, Công ty CP Đầu tư xây dựng, tài nguyên và môi trường Việt Nam còn lập lờ ghi đăng ký chất lượng sản phẩm trên nhãn mác, sử dụng mã vạch “chùa” không khai báo, đăng ký mới.
Như Chất lượng Việt Nam đã phản ánh trong bài viết: Nước tinh khiết Quaglog bị phản ánh không đảm bảo an toàn chất lượng. Trong bài phản ánh về việc người tiêu dùng “tố” sản phẩm nước tinh khiết mang nhãn hiệu Quaglog do Công ty CP Đầu tư xây dựng, tài nguyên và môi trường Việt Nam sản xuất và đưa ra thị trường kém chất lượng, nghi vấn không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Qua tìm hiểu và làm việc với ông Phạm Văn Khiêm – Giám đốc Công ty nói trên tại nhà riêng và cũng là “xưởng” sản xuất ra các sản phẩm nước tinh khiết Quaglog, phóng viên được biết, công ty này sử dụng nguồn nước máy để lọc và đóng chai, đóng bình mang bán và gọi đó là nước tinh khiết. Đặc biệt, trên nhãn mác còn quảng cáo sản phẩm nước Quaglog mang đến hương vị thiên nhiên ngọt ngào tinh khiết của nước, rất tốt nhờ có độ khoáng cần thiết cho sức khỏe, là sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tuy nhiên, khi hỏi về việc quảng cáo như vậy trên nhãn mác có đúng quy định của Nhà nước, ông Khiêm vòng vo và cho biết, đó là nước tinh khiết lọc từ nước máy. Ông Khiêm cũng đưa ra hai hóa đơn tiền nước để chứng minh nguồn nước lấy từ nước máy để sản xuất.
Với nghi vấn về sản phẩm được quảng cáo là đạt tiêu chuẩn, chất lượng, nhưng trên nhãn lại không có ngày sản xuất và hạn dùng, giấy đăng ký chất lượng đã hết hạn từ năm 2010 nhưng vẫn còn sử dụng, ông Khiêm cho biết đã xin cấp đăng ký chất lượng mới nhưng do nhãn mác cũ còn nhiều, “bỏ đi thì tiếc” nên vẫn sử dụng.
Khi được hỏi, làm như vậy là không đúng với quy định về sử dụng nhãn mác sản phẩm thực phẩm của Bộ Y tế và của Nhà nước, ông Khiêm vòng vo và chỉ “cười”.
Qua tham khảo ý kiến chuyên gia của Cục An toàn thực phẩm được biết, đối với những sản phẩm ăn vào miệng cần phải đảm bảo an toàn không chỉ từ chất lượng sản phẩm mà phải rõ ràng việc công bố chất lượng, nghi nhãn sản phẩm. Nếu ghi nhãn không đúng quy định có thể khẳng định đó là sản phẩm chưa đảm bảo an toàn chất lượng mà đã đưa ra thị trường.
Hơn nữa, cũng qua tìm hiểu của phóng viên, mã số, mã vạch mang dãy số 8938507578024 mà Công ty CP Đầu tư xây dựng, tài nguyên và môi trường Việt Nam đang sử dụng trên sản phẩm là mã số, mã vạch sử dụng “chùa”, bất hợp pháp.
Theo Văn phòng Mã số, mã vạch – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thời hạn phải khaibáo và đóng phí đối với mã số, mã vạch như nói trên đã hết hạn từ năm 2012. Tuy vậy, từ đó đến nay, Công ty CP Đầu tư xây dựng, tài nguyên và môi trường Việt Nam không tới khai báo lại và làm nghĩa vụ đối với nhà nước. Thế nhưng, Công ty CP Đầu tư xây dựng, tài nguyên và môi trường Việt Nam vẫn sử dụng mã số, mã vạch này trên sản phẩm của mình.
Theo Văn phòng Mã số, mã vạch, làm như vậy là Công ty CP Đầu tư xây dựng, tài nguyên và môi trường Việt Nam đã làm trái quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Quy định về việc cấp, sử dụng và quản lý mã số mã vạch”, Thông tư số 88/2002/TT-BTC ngày 2/10/2002 của Bộ Tài chính về việc “Qui định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí cấp MSMV” và Thông tư số 36/2007/TT-BTCngày 11/4/2007 sửa đổi bổ sung Thông tư 88/2002/TT-BTC ngày 02/10/2002 của Bộ Tài chính.
Trước thông tin của Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng, tài nguyên và môi trường Việt Nam về việc cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý thị trường đã nhiều lần kiểm tra, nhưng không có ý kiến về nhãn mác dù nhãn mác ghi chưa chuẩn, chưa đúng quy định của Nhà nước nhưng vẫn lưu hành sản phẩm, phóng viên đã liên hệ với Chi cục An toàn thực phẩm và cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội để làm rõ.
Câu hỏi đặt ra là liệu có sự “tiếp tay” của cơ quan chức năng để doanh nghiệp làm liều?
Nhóm Phóng viên Chất lượng Việt Nam