Home / Kiến Thức / Đảm bảo an toàn PCCC đối với các nhà xưởng, kho hàng

Đảm bảo an toàn PCCC đối với các nhà xưởng, kho hàng

Trong 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 22 vụ cháy tại các nhà xưởng, kho hàng. Gần đây nhất đã xảy ra vụ cháy tại nhà xưởng kết hợp văn phòng, kho chứa hàng của Công ty cổ phần AUSTNAM số 109 Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội gây thiệt hại lớn về tài sản.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách mở cửa, kích cầu, thu hút đầu tư dẫn đến sự xuất hiện nhiều loại hình cơ sở kho, bãi chứa hàng hóa với nhiều quy mô. Đây là những đối tượng mà khi cháy, nổ không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, môi trường mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự. Thực tế cho thấy, các kho bãi là nơi tập trung nguyên vật liệu, hàng hóa lớn, hầu hết là các chất dễ cháy và nguy hiểm về cháy nổ như vải, da giày, giấy, gỗ, các loại dung môi hữu cơ. Nhiều nhà xưởng được xây dựng trước sau đó tiến hành cải tạo, thay đổi công năng để cho thuê nên khi khai thác sử dụng, các điều kiện về an toàn PCCC không phù hợp theo công năng của từng loại hình cơ sở. Nhiều cơ sở kinh doanh kho, bãi nằm xen kẽ trong khu dân cư không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, trang bị hệ thống PCCC không đầy đủ, đường giao thông, nguồn nước phục vụ cho xe chữa cháy hoạt động không đáp ứng được yêu cầu cứu chữa khi có cháy xảy ra. Đáng chú ý là vụ cháy:

Vào khoảng 02h10 ngày 20/5/2016 xảy ra vụ cháy tại Công ty TNHH Bình Minh tại xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đám cháy xảy ra tại xưởng sản xuất gỗ của nhà Ông Nguyễn Văn Long và 04 hộ bán đồ nội thất thuộc xã Bình Phú. Các cơ sở này đều thuê lại mặt bằng của công ty TNHH Bình Minh. Sau khi nhận được tin báo cháy Phòng Cảnh sát PC&CC số 14 xuất 03 xe chữa cháy, 01 xe thùng chở máy bơm chữa cháy, 01 xe chỉ huy cùng 40 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường ngăn cháy lan khống chế, dập tắt đám cháy. Đám cháy không có thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 600 triệu đồng và thiêu rụi 1.200m2 nhà xưởng. Nguyên nhân cháy được cơ quan chức năng kết luận là do chập điện.

Ảnh: Hiện trường vụ cháy

Vào khoảng 9 giờ 35 phút ngày 17/6/2016 xảy ra vụ cháy tại nhà văn phòng kết hợp kho xưởng sản xuất của Công ty cổ phần AUSTNAM có địa chỉ: ngõ 109 đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Công trình có kết cấu được xây làm 2 tầng, tường xây bằng gạch, trần tầng 1 đổ bê tông cốt thép, trần tầng 2 lợp tôn.

Tầng 1 làm văn phòng và kho chứa hàng; tầng 2 làm kho và xưởng sản xuất. Hiện trường xảy ra cháy nằm trên tầng 2 của Công ty cổ phần AUSTNAM  có diện tích xảy ra cháy là gần 1.300m2.

Nhận được tin báo cháy, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội đã nhanh chóng điều động xe chữa cháy cùng các chiến sĩ chữa cháy tới hiện trường triển khai phun nước làm mát ngăn cháy lan và khống chế, dập tắt đám cháy. Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản ước tính hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân vụ cháy sơ bộ ban đầu được xác định là do chập điện.

Ảnh: Các chiến sĩ PCCC đang tiến hành dập lửa chống cháy lan

Ảnh: Những chiến sĩ PCCC đang tiến hành công tác dập lửa

Từ những vụ cháy nêu trên có một số tồn tại chung là:

Người đứng đầu cơ sở chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác PCCC: Chưa chỉ đạo lập hồ sơ theo dõi, quản lý PCCC; chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC; chưa lập phươngng án chữa cháy; chưa tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo quy định, chưa chấp hành quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng (chưa thẩm duyệt về PCCC, đã thẩm duyệt chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động); chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị về PCCC tại cơ sở; không tổ chức thực hiện các giải pháp an toàn PCCC theo kiến nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền, một số cơ sở thực hiện mang tính chất đối phó không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC theo hướng dẫn của quy chuẩn, quy chuẩn và các quy định về PCCC hiện hành.

Hệ thống PCCC không đảm bảo hoạt động theo quy định, chưa được kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng; chưa chấp hành chế độ mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; chưa đầu tư lắp đặt hệ thống chống sét; chưa thực hiện chế độ kiểm tra đo điện trở chống sét định kỳ.

Không có quy định phân công rõ trách nhiệm về PCCC giữa đơn vị thuê và đơn vị cho thuê mặt bằng dẫn đến việc tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở chưa được kiểm tra thường xuyên nên không phát hiện kịp thời được các dấu hiệu mất an toàn PCCC để có biện pháp khắc phục; việc quy trách nhiệm trong công tác PCCC để khắc phục các thiếu sót còn gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở không đảm bảo các điều kiện, giải pháp kỹ thuật về PCCC: không đảm bảo đường giao thông cho xe chữa cháy tiếp cận công trình; nguồn nước phục vụ chữa cháy; khoảng cách an toàn PCCC giữa các hạng mục công trình và khoảng cách đến các công trình bên cạnh; giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan; ngăn chia mặt bằng, sắp xếp hàng hóa, đèn chỉ dẫn, sắp xếp dây chuyền sản xuất, lối đi trong khu vực sản xuất ảnh hưởng đến lối thoát nạn, chiều rộng, chiều cao lối thoát nạn theo quy định.

Ý thức chấp hành trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đảm bảo an toàn PCCC (công nhân tự ý sưởi, sấy, đun nấu, hút thuốc trong nhà xưởng, kho…).

Để đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội khuyến cáo chủ cơ sở, doanh nghiệp cần làm tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC như sau:

  1. Thực hiện nghiêm quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (thẩm duyệt về PCCC đối với công trình xây dựng mới, cải tạo, thay đổi quy mô, tính chất hoạt động; nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình, hạng mục công trình vào hoạt động).
  2. Thành lập đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để duy trì và tăng cường công tác thường trực, tuần tra phát hiện cháy, nổ; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này.
  3. Rà soát và niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ.
  4. Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện phải đảm bảo đúng quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện trong nhà xưởng, kho hàng và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn; không bố trí vật tư hàng hóa dễ cháy gần dây dẫn, bóng đèn, ổ cắm, cầu dao…
  5. Thường xuyên giám sát nhắc nhở cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC; nghiêm cấm các hành vi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (thắp hương thờ cúng, hút thuốc, hóa vàng…) trong các nhà xưởng, kho hàng.
  6. Trang bị đủ phương tiện PCCC theo quy định, thường xuyên kiểm tra duy trì hoạt động của các hệ thống để đảm bảo sử dụng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
  7. Đối với các đơn vị cho thuê mặt bằng sản xuất, làm kho hàng cần: Phân định rõ ràng trách nhiệm thực hiện công tác PCCC giữa bên cho thuê và bên thuê, thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tổ chức duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC thường xuyên và định kỳ để chủ động phát hiện và ngăn ngừa những nguy cơ gây mất an toàn  có thể dẫn đến cháy, nổ.
  8. Khi có cháy, nổ phải tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ” đồng thời nhanh chóng báo cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số 114 để có những biện pháp chữa cháy hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Theo canhsatpccc.hanoi.gov.vn

Tin mới

Hồ sơ xin giấy vệ sinh an toàn thực phẩm ở TP.HCM

Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm đã không còn là khái niệm xa …

Hotline: 0918 828 875