Khai nhận với cơ quan chức năng, quản lý của công ty TNHH Tân Hoàng Minh (Hà Nội) cho biết số thịt trâu sẽ được đóng mác là thịt bò nhập khẩu phân phối cho 82 doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn Thủ đô để tiêu thụ.
Theo tin tức từ VTV, sáng 14/7, Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội thu giữ hơn 200kg thịt trâu giả thịt bò tại công ty TNHH Tân Hoàng Minh ở số 62 đường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong kho của công ty này vẫn còn hơn 60kg thịt trâu đông lạnh chưa được tiêu thụ.
Toàn bộ số thịt trâu này đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Khai nhận với cơ quan chức năng, quản lý của doanh nghiệp cho biết, đây là thịt trâu nhưng được đóng mác là thịt bò nhập khẩu phân phối cho 82 doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn Thủ đô để tiêu thụ.
Số thịt trâu này được công ty mua vào với giá từ 80.000 – 90.000 đồng/kg và bán ra thị trường với giá từ 135.000 – 145.000 đồng/kg tùy loại. Hiện toàn bộ số thịt trên đã bị cơ quan chức năng niêm phong, thu giữ và tiếp tục điều tra làm rõ.
Trong chiều 14/7, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra đột xuất tại kho lạnh ETC thuộc Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Cơ quan chức năng đã phát hiện gần 160 tấn thịt trâu có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ. Cơ quan chức năng cho biết, sẽ tiếp tục điều tra làm rõ số thịt trâu này sẽ được tiêu thụ tại đâu và có bị làm giả nguồn gốc xuất xứ thành thịt bò hay không.
Trước đó, cuối năm 2014, cũng tại khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), lực lượng chức năng kiểm tra kho đông lạnh của Công ty An Việt, đã phát hiện ra nơi tập kết một lượng lớn thịt trâu nhập khẩu chuyên cung cấp cho các bếp ăn tập thể, báo ANTĐ đưa tin.
Kho này đang chứa khoảng 40 tấn thịt trâu đóng thùng nhưng không ghi nhãn mác, không thời hạn sử dụng, một số hộp bao bì đã bị xé rách. Lực lượng kiểm tra nhận định, từ loại thịt không nhãn mác, khi gặp khách hàng đặt mua, đơn vị nhập khẩu sẽ “gắn” thêm nhãn mác thịt bò để đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin, khi các doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam thì hồ sơ, giấy tờ vẫn là thịt trâu. Tuy nhiên, khi bán ra thị trường và đưa vào các nhà hàng, bếp ăn tập thể thì đã biến thành thịt bò.
Thậm chí, Phó cục trưởng Cục Thú y tiết lộ: “Tại phần lớn các nhà hàng ăn uống hiện nay, món bò sốt tiêu đen (90%) làm từ thịt trâu”. Đối với người tiêu dùng, việc phân biệt giữa thịt trâu với thịt bò không dễ, nhất là khi đã qua chế biến với các loại gia vị.
Theo VietQ