Hàng loạt vụ buôn bán hóa chất trộn vào thức ăn chăn nuôi bị phanh phui
Việc nhập khẩu, buôn bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản diễn ra nhiều năm nay. Theo báo Người lao động, năm 2015, qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tình trạng chất vàng ô được doanh nghiệp sử dụng pha trộn vào để sản xuất các loại thức ăn công nghiệp cho gia súc, gia cầm.
Cơ quan chức năng còn phát hiện hàng loạt doanh nghiệp dùng chất tạo nạc (Salbutamol) trộn vào thức ăn chăn nuôi với liều lượng cực cao, có mẫu phát hiện vượt 75 lần tiêu chuẩn cho phép.
Gần đây, Bộ NN&PTNT kiểm tra đột xuất một số công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide trong “Bột dinh dưỡng cao đạm” để đưa bổ sung vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm.
Thông tin trên báo Tiền Phong cũng cho biết, năm 2016, trong quá trình kiểm tra một số địa phương trọng điểm phía Nam, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã kiểm tra đột xuất 2 công ty nhập khẩu, bán hóa chất cho các nhà máy TACN; 16 công ty chuyên sản xuất TACN, sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản, lực lượng thanh tra đã phát hiện 10 công ty có hành vi vi phạm liên quan tới việc sử dụng hóa chất công nghiệp.
Loại hóa chất công nghiệp được phát hiện chủ yếu là NaHCO3, MgSO4, MnSO4, CuSo4. FeSO4, CaCO3… là những chất dùng để sản xuất sơn, dệt nhuộm, công nghiệp giấy…
Thức ăn chăn nuôi trộn hóa chất công nghiệp được các hộ nuôi trồng thủy hải sản sử dụng. Ảnh minh họa
Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, các loại hóa chất công nghiệp phát hiện khá phổ biến, được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc và bày bán công khai tại các chợ đầu mối hóa chất và từ các công ty nhập khẩu và phân phối. Tuy nhiên, các loại chất công nghiệp trên hoàn toàn không vi phạm, vì được phép lưu hành dùng cho công nghiệp, nhưng khâu sai phạm, là người mua dùng sai mục đích.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, các thùng sản phẩm đều có khuyến cáo chỉ sử dụng trong công nghiệp, không dùng cho sản xuất TACN và thực phẩm, nhưng vì hám lợi, nhiều công ty dùng sai mục đích, trộn vào TACN, thủy sản. Thực tế, trên thị trường, giá 1 kg hóa chất công nghiệp chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 so với loại hóa chất chuyên dụng trong TACN.
Hóa chất trộn trong thức ăn chăn nuôi nguy hiểm thế nào?
Liên quan đến tình trạng buôn bán, sử dụng các hóa chất trộn vào thức ăn chăn nuôi, trao đổi trên báo Lao động, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, về lý thuyết cũng như trên thực tiễn, một hoá chất phụ gia trong TACN được công nhận là an toàn cho động vật nhai lại, chưa chắc đã an toàn cho các vật nuôi khác và con người.
Theo các chuyên gia, sử dụng hóa chất công nghiệp vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sẽ gây tồn dư kim loại nặng trên động vật, sản phẩm thực vật. Người tiêu dùng ăn vào sẽ gây tồn dư kim loại nặng trong cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, như gây dị ứng, ngộ độc; có thể gây ung thư trong cơ thể tích tụ kim loại nặng vượt mức cho phép.
Việc bổ sung chất cyanuric acide, dicyandiamide và ammelide vào nguyên liệu TACN cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm thực chát không có tác dụng về mặt dinh dưỡng (đạm giả), mặt khác gây tồn dư trên động vật và gây các bệnh về thận cho động vật và con người khi dùng sản phẩm có chất này.
Cụ thể, axit Cyanuric là chất có cấu trúc tương tự như Melamine. Nếu chỉ có một mình melamin thì không độc trong những liều thấp, dựa vào một số nghiên cứu trên động vật, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) tính mức độ dung nạp an toàn cho cơ thể mỗi ngày (tolerable daily intake, hay TDI) của melamin là 0,63mg/kg thể trọng/ngày.
Mức độ này được ước tính dựa trên kết quả nghiên cứu về tác động của melamin đối với động vật chứ chưa phải trên người, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ.
Riêng đối với trẻ nhỏ (trẻ ở giai đoạn còn sử dụng sữa là thức ăn chính) cũng là thời điểm chức năng thận chưa hoàn chỉnh. Vì vậy, nếu nguồn sữa bị nhiễm melamin thì trẻ càng nhỏ, nguy cơ nhiễm độc cũng như mức độ nguy hiểm càng cao và dễ tử vong.
Khi melamin vào cơ thể, chúng không được chuyển hóa tại gan mà đào thải trực tiếp qua thận. Trong máu, khi melamin gặp axit cyanuric, chúng sẽ phản ứng với nhau trong các ống thận, hình thành nên các chất kết tinh, các chất kết tinh này lớn dần gây ra tắc nghẽn làm cho ống thận không tạo được nước tiểu và cũng không đào thải được nước tiểu – đây chính là nguyên nhân dẫn đến suy thận, hoại tử thận, thậm chí là tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ.
Người ăn phải thực phẩm chứa hóa chất công nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Ngoài ra, cũng theo nguồn tin từ báo này, chất vàng ô được trộn trong TACN là chất độc hại đối với cơ thể sinh vật nói chung. Chất này có thể gây kích ứng rất dữ dội, nếu tiếp xúc với da sẽ gây ngứa và bong tróc da, tiếp xúc qua đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, qua đường tiêu hóa gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy. Điều đáng sợ là nó có thể tích tụ trong thịt của gia súc gia cầm, rất khó đào thải. Bên cạnh đó, vì chất này nguyên thủy được sử dụng trong công nghiệp nên cũng không được lọc hết kim loại nặng. Người ăn phải những gia súc bị tích tụ những kim loại này nặng có thể chịu nhiều hậu quả như hư gan, mật, vô sinh hay bệnh mau quên, chậm phát triển trí tuệ. Ngoài ra còn có thể gây ung thư.
Còn “chất tạo nạc” chính là tên gọi nôm na dành cho nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. 3 chất có tính tạo nạc nổi bật có mặt trên thị trường là sabutamol, ractopamine, clenbuterol, trong đó sabutamol là chất được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1.000 – 6.000 mg/ngày) sẽ làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm da bóng mượt. Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, vọng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật và là một trong những tác nhân gây ung thư.
Minh Hà (T/h)