Câu hỏi 1: VietGAP là gì?
Đáp: VietGAP là tên viết tắt của cụm từ “Thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt tại Việt Nam” (tiếng Anh là Vietnamese Good Aquaculture Practices) là Quy phạm thực hành áp dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu bệnh dịch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Áp dụng VietGAP là góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.
Câu hỏi 2: VietGAP có bắt buộc áp dụng không?
Đáp: Theo quy định tại Quyết định số 1503/QĐ-BNN-TCTS, ngày 05 tháng 07 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy phạm thực hành Nuôi trồng thuỷ sản tốt tại Việt Nam, VietGAP chưa bắt buộc áp dụng nhưng đang được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai nhiều biện pháp khuyến khích nhằm đẩy nhanh tốc độ áp dụng VietGAP tại Việt Nam.
Câu hỏi 3: Cơ quan nào cấp Giấy chứng nhận VietGAP? Cơ quan này có độc lập với cơ quan ban hành VietGAP và ban hành quy định về chứng nhận không?
Đáp: Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổ chức chứng nhận do Tổng cục Thủy sản chỉ định là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận VietGAP. Tổ chức chứng nhận VietGAP có thể là đơn vị sự nghiệp hoặc doanh nghiệp tư nhân hoặc tổ chức phi chính phủ được
thành lập hợp pháp, có chức năng và nhiệm vụ phù hợp, có năng lực đáp ứng các quy định tại Điều 5 của Thông tư 48. Như vậy, tổ chức chứng nhận VietGAP là bên thứ 3 độc lập với cơ quan quản lý nhà nước (đơn vị ban hành quy định) và cơ sở nuôi (đơn vị đăng ký chứng nhận).
Câu hỏi 4: Chi phí để cấp giấy chứng nhận VietGAP là bao nhiêu?
Đáp: Theo quy định tại Điều 3, Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chi phí cấp chứng nhận VietGAP do cơ sở nuôi chi trả sau khi đã thỏa thuận và ký hợp đồng với Tổ chức chứng nhận. Tổ chức chứng nhận phải xây dựng biểu phí, cách tính phí và công bố công khai. Đây là một yêu cầu phải được Cơ quan chỉ định (Tổng cục Thủy sản) kiểm tra trong quá trình đánh giá, chỉ định Tổ chức chứng nhận.
Câu hỏi 5: Chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thuỷ sản là chứng nhận sản phẩm hay chứng nhận hệ thống chất lượng?
Đáp: Chứng nhận VietGAP là loại hình chứng nhận đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp cho các sản phẩm thuỷ sản được sản xuất phù hợp với Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam. Chứng nhận VietGAP ghi rõ loại sản phẩm cụ thể, được sản xuất tại địa chỉ cụ thể, cấp cho cơ sở nuôi cụ thể. Tổ chức Chứng nhận cấp Giấy chứng nhận VietGAP cho cơ sở nuôi đạt yêu cầu theo VietGAP sau khi thực hiện đánh giá theo quy định. Trình tự, thủ tục đánh giá và cấp Chứng nhận VietGAP do Tổ chức chứng nhận xây dựng được cơ quan chỉ định kiểm tra, chấp thuận theo quy định tại Thông tư 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Câu hỏi 6: Làm thế nào để nhận biết sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP?
Đáp: Có thể nhận biết sản phẩm chứng nhận VietGAP dựa vào logo VietGAP và mã số chứng nhận VietGAP (VGN).
Cơ sở nuôi được sử dụng logo VietGAP để quảng bá cho các sản phẩm được chứng nhận. Logo VietGAP, cách sử dụng và quyền được sử dụng logo VietGAP do Tổng cục Thuỷ sản quy định.
Mã VGN là mã số cấp cho Cơ sở đăng ký áp dụng VietGAP. Mã VGN do Tổng cục Thuỷ sản quản lý, được cấp tự động thông qua website VietGAP. Mã VGN được ghi bên góc trái của Giấy chứng nhận VietGAP và được sử dụng để quản lý các cơ sở nuôi được chứng nhận và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được chứng nhận. Có thể sử dụng mã VGN để truy xuất nguồn gốc của sản phẩm được chứng nhận thông qua website của Tổng cục thuỷ sản.
Mã số chứng nhận VietGAP là một chuỗi gồm các cụm ký tự và số “xxx-aa-dddd” (cách nhau bởi dấu gạch ngang), trong đó:
– Ba chữ xxx là mã số của tổ chức chứng nhận do Cơ quan chỉ định tổ chức chứng nhận cấp;
– Hai chữ số “aa” là mã số chỉ địa phương (tỉnh, thành phố) nơi nhà sản xuất và/ hoặc sơ chế đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, được xác định theo mã tỉnh trong bảng mã vùng của tỉnh, thành phố thuộc Trung ương;
– Các chữ số “dddd” là mã số của nhà sản xuất và/ hoặc sơ chế do tổ chức chứng nhận cấp cho nhà sản xuất và/ hoặc sơ chế theo thứ tự được chứng nhận trong từng tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
Câu hỏi 7: Việc gia hạn Giấy chứng nhận VietGAP được thực hiện như thế nào?
Đáp: Cơ sở nuôi muốn chứng nhận lại, gia hạn, thay đổi hoặc bổ sung Giấy Chứng nhận VietGAP phải gửi đơn đăng ký với Tổ chức Chứng nhận theo mẫu quy định.
Tổ chức Chứng nhận căn cứ điều kiện cụ thể để thực hiện các thủ tục đánh giá và cấp lại, gia hạn, thay đổi hoặc bổ sung Chứng nhận VietGAP. Thời hạn của chứng nhận cấp lại tối đa là 24 (hai tư) tháng. Thời hạn gia hạn chứng nhận tối đa là 3 (ba) tháng.
Câu hỏi 8: Những tổ chức, cơ quan nào có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá các cơ sở nuôi đăng ký chứng nhận VietGAP?
Đáp: Tổ chức Chứng nhận có quyền và trách nhiệm trong việc tổ chức đánh giá chứng nhận và đánh giá giám sát tại các Cơ sở nuôi đã đăng ký chứng nhận VietGAP. Cơ sở nuôi đã đăng ký chứng nhận VietGAP với Tổ chức Chứng nhận nào thì Tổ chức Chứng nhận ấy có quyền và trách nhiệm trong việc tổ chức đánh giá chứng nhận và đánh giá giám sát tại các Cơ sở nuôi đã đăng ký.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cơ quan quản lý nuôi trồng thuỷ sản địa phương phối hợp với Tổng cục thuỷ sản thực hiện kiểm tra, thanh tra các Cơ sở nuôi đăng ký chứng nhận VietGAP trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Tổng cục thuỷ sản thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động của các Tổ chức Chứng nhận và các Cơ sở nuôi áp dụng VietGAP khi cần thiết. Ngoài ra, Cơ sở nuôi áp dụng VietGAP còn phải chịu sự kiểm tra của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác như mọi Cơ sở nuôi trồng thuỷ sản khác.
(Tổng cục thủy sản Việt Nam)