Trong khi lợn quay loại ngon, chất lượng đảm bảo có giá trên dưới 200.000 đồng/kg thì trên thị trường xuất hiện nhiều loại lợn quay giá rẻ. Đáng lo ngại hơn, nhiều lò sản xuất lợn quay “bẩn” cung cấp ra thị trường loại thịt lợn bị bệnh tai xanh, xuất huyết.
Bắt quả tang quay lợn bệnh dịch để bán
Theo báo Thái Nguyên, ngày 29/9, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các lực lượng Công an, Chi cục Thú y, Trạm Thú y TP. Thái Nguyên, UBND phường Phan Đình Phùng đã tiến hành kiểm tra tại quán Hải Béo do ông Phạm Thanh Hải làm chủ quán tại tổ 19, phường Phan Đình Phùng (khu vực cổng Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh). Tại thời điểm kiểm tra phát hiện thịt lợn bẩn, bao gồm có 3 con lợn (khoảng 35-40kg/con), 2 con đã chết.
Qua kiểm tra triệu chứng lâm sàng 1 con lợn còn sống có biểu hiện: Sốt 42,5 độ, hạch hầu sưng to, da hồng rực, có nhiều nốt xuất huyết, niêm mạc đỏ, lợn khó thở. 2 con lợn đã thịt: 1 con có biểu hiện xuất huyết bầm tím trên bề mặt da, ruột non xuất huyết, các hạch màng treo ruột sưng xuất huyết, hạch hầu sưng to xuất huyết tím đen… Qua kiểm tra triệu chứng và phân tích bệnh, cán bộ thú y chẩn đoán 2 con lợn có biểu hiện của bệnh dịch tả ghép tụ huyết trùng lợn.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Phạm Thanh Hải, chủ quán Hải Béo không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, giấy chứng nhận tiêm phòng gia súc, gia cầm, giấy đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm… Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở tiêu hủy 1 con lợn đã thịt dưới sự giám sát của chính quyền địa phương; nuôi nhốt cách li, 1 con lợn sống còn lại dưới sự giám sát của Tổ trưởng mạng lưới thú y phường Phan Đình Phùng. Yêu cầu vệ sinh thu gom chất thải, vệ sinh khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi và chuyển hồ sơ, tang vật để tiếp tục xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Vào lò mổ lợn ốm chết lớn nhất Hà Nội
Ngay từ sáng sớm, con đường dẫn vào thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà (Thường Tín, Hà Nội) đã nhộn nhịp tiếng ôtô, xe máy chở lợn ốm chết về làng. Những kênh nước, ao hồ trong làng, hai bên đường màu đen nhẻm bốc mùi hôi. Sáng 10/5, qua giới thiệu của Toàn – một “cò” lợn chết có “số má” ở thị trấn Thường Tín, PV Lao Động đến thôn Đan Nhiễm tìm gặp Căn.
Căn được người dân địa phương gọi là “trùm” Căn hay Căn “sề, ốm, chết”. “Chú ấy mua lợn ốm, chết, lợn sề lớn nhất ở cái làng này, từ lợn con 10 cân cho đến lợn bột, lợn sề vài tạ chú ấy mua tất, trong nhà ngày nào chả có cả tạ lợn chết”, bà Hường (50 tuổi) – một người dân thôn Đan Nhiễm hồ hởi khi tôi hỏi đường vào nhà “trùm Căn”. “Trùm” Căn khoảng ngoài 40 tuổi, đầu hói cua, da ngăm đen. Phía trước toà nhà ba tầng to vật vã là khu vực mổ lợn chết rộng khoảng hơn 100m2, trên nền gạch phân heo, ruồi nhặng bu kín bốc mùi thối.
Tại đây, hai nhân viên đang hối hả giết mổ từng con lợn ốm chết. “Hôi chịu không nổi, nhiều hôm giết mổ xong về nhà không dám ăn cơm, lợn chết cứ chở về liên tục mổ không kịp”, một người làm tại lò mổ của “trùm” Căn cho biết. 12h trưa 13/5, PV tìm đến những quán ăn đã mua thịt lợn chết của H (người lấy 4 bao thịt lợn chết ở nhà “trùm” Căn). Tại đây, khách ra vào nườm nượp. Những miếng thịt ba chỉ nhợt nhạt bốc mùi được kho với trứng vịt thơm lừng, chân giò lợn chết trở thành món giả cầy nhìn rất bắt mắt. Toàn bộ số thịt xay được làm thành món chả quấn lá lốt…
“Cơm và thức ăn có ngon không bác?”, PV hỏi 1 người trong quán cơm. “Đói quá nên cũng ăn được, ngày nào tôi cũng ăn ở đây mà”, ông Dũng (54 tuổi) quê Thái Bình đang ở trọ gần Bệnh viện Bạch Mai chăm con bị ốm nói. “Có bao giờ ăn mà thấy thịt lợn, hay chả lá lốt có mùi hôi?”, ông Dũng trả lời: “Cũng có đôi lúc. Cháu xem, họ cho bao nhiêu là dầu mỡ, gia vị, hành tỏi thế này thì thịt thối cũng khó mà nhận ra được”.
Theo Chất lượng Việt Nam