Dùng xịt thơm miệng không rõ nguồn gốc có thể gây nấm miệng
Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm nước xịt miệng có nguồn gốc và giá cả khác nhau, dao động từ 50-200 ngàn đồng. Tuy nhiên không phải ai cũng là một nhà tiêu dùng thông thái để lựa chọn được loại sản phẩm nào đáng tin cậy để sử dụng.
Khi sử dụng nước xịt miệng không rõ nguồn gốc với nồng độ cồn cao, gây khô miệng kết hợp với tình trạng vệ sinh kém, thậm chí có thể gây ra nhiễm khuẩn miệng, họng, thậm chí tạo môi trường cho nấm miệng phát triển.
Dùng xịt thơm miệng có thể làm miệng hôi thêm
Thông tin trên báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (Bộ môn Dược, Đại học Y dược TP HCM) cho biết, các loại xịt hay súc miệng thực chất chỉ là một loại mỹ phẩm và không có tác dụng chữa trị chứng hôi miệng. Nó chỉ có tác dụng làm mát, che giấu mùi hôi của hơi thở một cách “chữa cháy” chứ không trị được nguyên nhân gây hôi miệng.
Lạm dụng xịt thơm miệng sẽ gây hậu quả nặng nề hơn. Ảnh minh họa
Đã có nghiên cứu cho thấy, trong hầu hết các thuốc xịt thơm miệng đều có chứa cồn. Nếu bạn sử dụng thường xuyên, chính lượng cồn có trong loại nước xịt này sẽ làm cho miệng bị khô, từ đó càng gây cho miệng có mùi hôi nặng hơn. Tốt nhất hãy đến nha sỹ tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp nếu răng miệng bạn có vấn đề.
Dung dịch xịt thơm miệng không có tác dụng điều trị nguyên nhân gây hôi miệng cho nên hôi miệng không thể khỏi khi dùng chúng và tác dụng của nó chỉ kéo dài trong khoảng 4-6 giờ. Hơn nữa, nếu lạm dụng có thể làm cho nguyên nhân hôi miệng tăng lên.
Dùng xịt thơm miệng kéo dài làm khô miệng gây viêm họng
Nếu dùng lâu dài dung dịch xịt thơm miệng, chứng hôi miệng không những không mất mà có thể nặng thêm. Nguyên nhân là do thành phần xịt giúp dung dịch bay hơi nhanh (trong đó có cồn) làm khô niêm mạc miệng, mất độ ẩm tự nhiên của khoang miệng, từ đây làm cho các vi sinh vật có sẵn ở niêm mạc miệng, họng (vi khuẩn, virut, vi nấm) phát triển nhanh hơn và sản sinh ra nhiều độc tố hơn (một số vi sinh vật gây bệnh còn có khả năng sinh ra khí có mùi hôi) làm cho họng, miệng càng bị viêm nhiều hơn.
Dùng xịt thơm miệng còn khiến nhiều người lười đánh răng gây nhiễm khuẩn nặng
Nếu cứ lạm dụng xịt hôi miệng khiến nhiều người quên vệ sinh răng miệng hàng ngày làm cho hôi miệng càng ngày càng trầm trọng thêm. Nhất là với người có tình trạng vệ sinh răng miệng kém, việc sử dụng quá thường xuyên dung dịch xịt thơm miệng, không chỉ dừng ở mùi hôi càng gia tăng mà còn gây ra những bệnh lý răng miệng nặng nề hơn mà người dùng không hề biết.
Liên quan tới việc lạm dụng xịt thơm miệng, trước đó BS. Trần Thị Anh Thư (Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E Trung ương cho biết trên báo Sức khỏe & Đời sống, người dân phải xác định rằng dung dịch xịt thơm miệng không phải thuốc chữa hôi miệng. Vì vậy, muốn hết hẳn hôi miệng trước hết phải được xác định nguyên nhân bằng cách đi khám bệnh, trên cơ sở đó sẽ được bác sĩ điều trị giải quyết dứt điểm căn nguyên gây hôi miệng và sẽ hết hôi miệng.
Một số trường hợp như hút thuốc, nếu ngừng hút và vệ sinh họng miệng, răng sạch sẽ hàng ngày trong một thời gian ngắn sẽ hết hôi miệng. Nên hạn chế ăn các loại gia vị như tỏi, hành và sau khi ăn nên vệ sinh họng, miệng, răng thật sạch sẽ..
Đối với trường hợp bắt buộc phải sử dụng nước xịt thơm miệng như hôi miệng không rõ nguyên nhân và liên quan nhiều tới giao tiếp, người dùng cũng cần tìm hiểu rõ về nguồn gốc và thành phần trong các sản phẩm nước xịt miệng, tốt nhất nên sử dụng các sản phẩm không cồn và tăng cường uống nước để làm giảm bớt tình trạng khô miệng.
Cách làm miệng thơm tự nhiên an toàn
Theo các chuyên gia, một số nguyên liệu tự nhiên rất có hiệu quả trong việc chữa trị chứng hôi miệng như: – Nhai vài lá húng bạc hà, húng hay vài mẩu đinh hương, tinh dầu quế có thể khiến mùi hôi trong hơi thở của bạn hết rất nhanh vì có chứa tinh dầu thơm, tác dụng kháng khuẩn tốt. Lá húng bạc hà sẽ giảm triệu chứng hôi miệng. Ảnh minh họa– Sau khi ăn hành, tỏi, bạn có thể ăn một trái ổi hoặc nhai vài lá ổi rửa sạch. Bạn cũng có thể bào chế nước súc miệng từ lá ổi để khử mùi khó chịu của hơi thở. Lấy khoảng 3 chén nước với 10 lá ổi non, đun sôi nước rồi giảm lửa cho lá ổi vào đun sôi liu riu trong khoảng 10 phút nữa bắc ra để nguội chắt lấy nước dùng súc miệng hàng ngày. – Lá ngò gai: Theo y học cổ truyền, ngò gai vị the, tính ấm, có mùi thơm hắc, khử thấp nhiệt, mạnh tỳ vị, thanh uế… Lấy một nắm ngò gai sắc lấy nước đặc, thêm vào vài hạt muối làm nước súc miệng, khò họng nhiều lần trong ngày khoảng vài ngày sẽ có công hiệu. – Dùng chè xanh, chanh… Tính axít cao trong chanh sẽ ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn trên lưỡi và nướu răng. Có thể làm hỗn hợp muối, chanh và nước để súc miệng trước khi đi ngủ. |
An Dương (T/h)