Sushi cá ngừ có nguồn gốc từ Nhật Bản nhưng rất được ưa chuộng tại Mỹ và nhiều nước khác. Tuy nhiên, gần đây, giới chức Mỹ vừa phát hiện loại cá ngừ làm sushi dương tính với khuẩn Salmonella.
Gần đây, bang California (Mỹ) đã ghi nhận bùng phát dịch Salmonella, khiến ít nhất 25 người nhiễm bệnh. Theo cơ quan y tế hạt Ventura, sushi cá ngừ rất có thể là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu.
Được biết, một chủng vi khuẩn có nhiều nét tương đồng với khuẩn Salmonella đã gây bệnh tại California và Hawaii năm 2010, và đều liên quan tới cá hồi sống được nhập khẩu từ Indonesia. Năm 2012, một đợt bùng phát dịch trên diện rộng khác cũng được ghi nhận là có liên quan tới cá ngừ nhập từ Ấn Độ để làm sushi. Về mặt di truyền học, dịch Salmonella lần này không liên quan gì tới hai loại vi khuẩn gây bệnh trên.
Dịch được ghi nhận trên địa bàn các hạt Los Angeles (7 ca), Orange (4 ca), Ventura (4 ca), Riverside (2 ca) và Santa Barbara (1 ca). Bảy trường hợp còn lại sống ở các bang khác, nhưng đều đã từng du lịch tới bang California trước đó, và rất có thể cũng đều ăn cá ngừ tại đây.
Ngày 17/4 vừa qua, trong một cuộc phỏng vấn, hơn 80% bệnh nhân dương tính với khuẩn Salmonella trong đợt dịch này cho biết họ đã ăn cá ngừ sống và 7 bệnh nhân cho biết họ đã ăn sushi trước đó.
Biểu hiện khi nhiễm khuẩn Salmonella là nôn mửa, tiêu chảy, đau thắt vùng bụng và sốt sau thời gian ủ bệnh từ 6 giờ tới 3 ngày. Nếu không chữa trị kịp thời có thể gây viêm khớp, các vấn đề liên quan tới tim mạch, cột sống và mắt.
Theo VietQ