Liên tiếp vụ ngộ độc do dùng cây hoa chuông nấu canh
Theo đó, vào chiều 27/11, Bệnh viện C Thái Nguyên tiếp nhận 6 bệnh nhân đều sống tại xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhập viện trong tình trạng kích thích vật vã, hoang tưởng, ảo giác, nói linh tinh…
Người nhà các bệnh nhân cho biết, trong bữa trưa cùng ngày, cả 6 người đều đã ăn một loại canh gồm rau cải nấu cùng với một loại cây có hình dạng giống cây rau đắng ở địa phương. Tuy nhiên, sau khi xem mẫu cây do người nhà mang đến, các bác sĩ xác nhận đây là cây hoa chuông – một loại cây thuộc họ cà Solanaceae, có chứa độc tố giống như cây cà độc dược.
Sau khi tiếp nhận 6 bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện C Thái Nguyên đã tiến hành cấp cứu, truyền dịch, rửa dạ dày cho các bệnh nhân.
Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện do bị ngộ độc vì dùng cây hoa chuông nấu canh ăn. Ảnh: TTXVN
Đây không phải là trường hợp duy nhất bị ngộ độc thực phẩm do ăn canh cây hoa chuông. Trước đó, bác sĩ Phạm Hữu Hiển, Phó Trưởng khoa hồi sức – tích cực (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đêm 23/4/2015 bà Đào Thị N. cùng chồng là ông Lê Văn L. ở Thanh Oai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng nguy kịch: khó thở, rối loạn nhịp tim, toàn thân tê bì, có lúc rơi vào ảo giác, hoang tưởng.
Hỏi người nhà bệnh nhân thì được biết vợ chồng bà N. đã ăn canh nấu từ lá cây hoa chuông để trị chứng mất ngủ theo lời mách của người khác. Chỉ khoảng 10 phút sau khi ăn, hai người đã có biểu hiện mệt mỏi, khó thở, nôn…
Ngay sau đó đã đưa hai vợ chồng vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Sau 24 giờ cấp cứu, hai vợ chồng đã qua cơn nguy kịch và xuất viện sau ba ngày điều trị.
Tiếp đó, ngày 12/5/2016, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận 2 bệnh nhân là vợ chồng ông Nguyễn Văn S. 67 tuổi và bà Nguyễn Thị M. 63 tuổi ở Bí Trung I, phường Phương Đông thành phố Uông Bí.
Theo người nhà cho biết, trước đó bà M. được người hàng xóm giới thiệu về loài hoa có tên là hoa loa kèn (hoa chuông) được cho là quý, ăn lành tính và mát. Thấy trong vườn nhà cũng có hoa này nên đã hái về nấu canh. Sau ăn khoảng 30 phút ông bà thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đi lại không bình thường; gia đình vội đưa ông bà đến bệnh viện.vào viện trong tình trạng đau đầu, nôn mửa, thần kinh không tự chủ.
Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận, hai bệnh nhân trên bị nhiễm độc Scopolamine do ăn hoa cây hoa chuông. Các bác sỹ bệnh viện cho biết, đây là trường hợp hiếm gặp nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ đến tính mạng là rất cao.
Cây hoa chuông trong vườn nhà bà M. Ảnh: Đài PTTH Quảng Ninh
Và mới đây nhất, vào 21h tối 10/6/2016, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận 5 bệnh nhân trong cùng một gia đình gồm Triệu Tiến L., Trần Thị V., Triệu Anh Đ., Triệu Mỹ Q., Nguyễn Mai S. (cùng trú tại tổ 30, Minh Xuân, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) có biểu hiện ngộ độc.
Bác sĩ, chuyên khoa 1, Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay khi tiếp nhận 5 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc nhập viện, các bệnh nhân đã được hồi sức cấp cứu, hô hấp tuần hoàn, rửa dạ dày, truyền dịch, thở máy…
Hoa chuông có thể gây ảo giác, hoang tưởng, nặng tử vong
Nói tới hoa chuông, trong “Từ điển cây thuốc Việt Nam” mô tả về Brumansia Suaveolens là cây nhỡ khỏe, hóa gỗ có vỏ xám, cành lá thường thòng xuống. Lá mọc so le, phiến có dạng như lá thuốc lá. Hoa mọc thòng xuống, to, đơn độc hay xếp thành từng đôi, màu trắng, dài 25 – 30 cm, đường kính 1 – 1,5 cm, nhị đính trên ống tràng có bao phấn dính nhau. Cây này gốc ở Mexico và Peru, được nhập về trồng ở Đà Lạt, Nghệ An.
Cây hoa chuông còn được gọi với cái tên cây ‘thôi miên’ hay ‘hơi thở của quỷ’ bởi trong hoa của loài cây này chứa chất gây ảo giác scopolamine.
Theo các nhà khoa học, chỉ cần uống một giọt dịch chất chiết xuất từ chất scopolamine của hoa chuông, một người khỏe mạnh có thể rơi vào trạng thái vô thức. Nạn nhân có thể sẽ nghe, làm theo lời người đối diện một cách vô thức.
Các bộ phận của cây hoa chuông đều chứa độc tố cực mạnh, có thể dẫn đến ngộ độc sau khi ăn. Ở dạng nhẹ bệnh nhân ngộ độc có biểu hiện nôn trớ, mệt mỏi, choáng váng… Ở dạng ngộ độc nặng người bệnh có thể bị suy thận, suy tim cấp, bị ảo giác, hoang tưởng…, nếu không được cấp cứu.
Trước tin đồn ăn lá hoa chuông sẽ tốt cho sức khỏe, ông Nguyễn Xuân Hướng – nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, hoa chuông không có tác dụng chữa bệnh hay tốt cho sức khỏe như tin đồn. Nó cũng không được dùng để làm dược liệu thuốc. Mọi người cần thận trọng với những tin đồn đó.
Bên cạnh đó, không ít người ngày nay có quan quan niệm cây cảnh cũng là cây làm thuốc nên trồng trong nhà để tiện chữa bệnh. Theo ông Nguyễn Xuân Hướng, nếu không cẩn thận, những loại cây này sẽ gây độc. Để tránh ngộ độc, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên sử dụng tùy tiện các loại cây mọc trong tự nhiên. Bởi không biết được thành phần của nó sẽ gây ra hậu quả khôn lường đối với sức khỏe của mọi người.
An Dương (T/h)