Ngày nay, nhựa là một chất liệu phổ biến nhất trong việc sản xuất các loại đồ gia dụng. Hầu hết các loại nhựa đều được làm từ dầu mỏ không thể tái tạo, một số loại chứa hóa chất độc hại và gây nguy hiểm cho con người trong quá trình sản xuất cũng như sử dụng, nhưng cũng có một số loại an toàn.
Bạn có thể chọn nhiều chất liệu khác an toàn hơn, ví dụ như thủy tinh, gốm, sứ hoặc thép không gỉ để thay thế cho sác đồ dùng bằng nhựa. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa là điều gần như không thể.
Dù vậy, việc dùng các sản phẩm nhựa không phải lúc nào cũng nguy hại. Để chọn được sản phẩm nhựa an toàn cho môi trường cũng như sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe trẻ em, bạn có thể kiểm tra các mã số được in nổi dưới đáy sản phẩm. Các mã số này thường được in bên trong một hình tam giác tạo bởi ba mũi tên nối đuôi nhau, các loại nhựa được đánh số từ 1 đến 7. Các loại nhựa an toàn thường có mã 1, 2 ,4, 5. Nên tránh các loại nhựa có mã 3, 6 và hầu hết các loại nhựa có mã số 7.
Mỗi loại nhựa đều được quy định một mã số khác nhau bao gồm:
Mã số 1: PET hoặc PETE (polyethylene terephthalate)
Loại nhựa này thường được dùng để sản xuất các sản phẩm trong mỏng, ví dụ như chai của hầu hết các loại nước ngọt, gia vị… Nhựa PET an toàn nếu sử dụng một lần, và không nên tái sử dụng loại nhựa này, đặc biệt là để chứa nước hoặc thức ăn nóng. Nếu tái sử dụng hoặc dùng ở nhiệt độ cao, loại nhựa này có thể tiết ra các hoát chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Loại nhựa này có bề mặt xốp nên dễ nhiễm khuẩn và ảm mùi khi tái sử dụng. PET có thể được thu hồi để tái chế thành các sản phẩm dùng trong ngành dệt may, gỗ nhân tạo…
Mã số 2: HDPE (high density polyethylene)
HDPE hay còn gọi là nhựa PE tỷ trọng cao, là loại nhựa mờ và đục hơn PET, thường được dùng để sản xuất bình đựng sữa, nước trái cây, chất tẩy rửa, dầu gội, đồ chơi và các loại bình đựng dầu nhờn động cơ. Loại nhựa này an toàn hơn PET và có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất ra HDPE, có thể cần dùng đến các hóa chất độc hại như benzen hoặc hexane, do đó, nếu không thực sự cần thiết, cũng nên hạn chế sử dụng loại nhựa này.
Mã số 3: PVC (polyvinyl chloride)
PVC là loại nhựa thường được dùng để sản xuất ống nước, nệm, một số loại chai lọ, các loại màng bọc có độ bám cao, một số loại hộp đựng thực phẩm và chất tẩy rửa. Quá trình sản xuất PVC thải ra dioxin, một hóa chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, một chất gây ung thư có thể tích tụ trong cơ thể động vật và con người. PVC cũng có thể chứa phthalates, một loại chất hóa dẻo được dùng để làm mềm nhựa. Phthalates có thể gây rối loạn hóc môn, liên quan đến các vấn đề sinh sản và dị tật bẩm sinh. Những công nhân trong các nhà máy sản xuất PVC có nguy cơ ung thư cao hơn bình thường. PVC cũng là một loại nhựa có thể tái chế.
Mã số 4: LDPE (Low-density Polyethylene)
LDPE thường được dùng để sản xuất các loại sản phẩm có tính mềm dẻo cao như túi nhựa, bọc nhựa, túi giặt khô và túi rác. LDPE là một trong những loại nhựa an toàn hơn PVC và có thể tái sử dụng, đặc biệt là các loại túi nhựa.
Mã số 5 – PP (Polypropylene)
Thường dùng trong sản xuất các vật dụng cứng nhưng có tính linh hoạt cao như hũ đựng kem, sữa chua, ống hút, chai nhựa đựng sirô và tã. PP là một trong những loại nhựa an toàn và có thể tái sử dụng.
Mã số 6 – PS (polystyrene)
Thường dùng để sản xuất các loại đồ nhựa có độ cứng cao hơn như muỗng, đĩa, nhựa PS cũng là một thành phần để sản xuất các loại đồ chứa bằng xốp như các loại hộp đựng thực phẩm dùng một lần. Các sản phẩm bằng nhựa PS có thể tiết ra styrene – một chất độc thần kinh với nhiều ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.
Mã số 7: Các loại nhựa khác
Bao gồm polycarbonate, nylon và acrylic. Mã số 7 thường gặp trên các loại túi giấy. Loại nhựa mã số 7 có chứa polycarbonate và BPA một chất rối loạn nội tiết – chất hóa học có trong loại nhựa dùng sản xuất bình sữa trẻ em. Polycarbonate cũng thường được dùng để sản xuất các loại bình nước có dung tích từ 5 lít trở lên, chai nước chuyên dùng trong thể tao, dao kéo bằng nhựa, lớp lót của các loại hộp đựng thực phẩm, kể cả sữa trẻ em. Tuy nhiên, mã số 7 cũng có thể là các loại nhựa “xanh” làm từ các nguyên liệu an toàn như ngô, khoai tây, gạo, hoặc bột sắn. Hãy tránh dùng các loại nhựa có mã số 7, trừ khi chúng có nhãn “nhựa sinh học”.
Dù bạn chọn loại nhựa nào đi chăng nữa, khi hâm thức ăn trong lò vi sóng, tốt nhất nên dùng tô, đĩa thủy tinh hoặc gốm, sứ và nếu có thể, hãy thay màng bọc nilon bằng giấy sáp.
Theo Gia Đình Việt Nam – HealthyChild