TP HCM đang mạnh tay áp dụng các biện pháp để ngăn chặn những cơ sở sản xuất nước đá không bảo đảm vệ sinh nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Muốn tồn tại phải tự hoàn thiện Đối với những nơi tiêu thụ là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, ông Hòa cho biết cơ quan chức năng đã yêu cầu chỉ mua nước đá từ các cơ sở đã công bố hợp quy và có bao bì kín nhằm tạo sức ép cho cơ sở sản xuất phải tự hoàn thiện để không gián đoạn việc kinh doanh.
“Cơ sở sản xuất nước đá muốn tồn tại phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, nếu không có khả năng thì nên chuyển nghề hoặc chuyển sang sản xuất nước đá không dùng cho ăn uống thì điều kiện dễ hơn” – ông Hòa khuyến cáo. Thực tế, trên địa bàn TP HCM đã có nhiều nhà máy nước đá được đầu tư vốn khá lớn để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Điển hình như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Phúc đầu tư hàng triệu USD cho nhà máy mới với dây chuyền đóng gói tự động. Bà Dương Thị Thu Dung, giám đốc công ty, cho biết từ nhiều năm trước, các nhãn hàng nước giải khát thương hiệu toàn cầu khi tổ chức giới thiệu sản phẩm đã không chấp nhận nước đá đựng bao gai PP vì không bảo đảm ATVSTP. Khi đó, họ không có lựa chọn khác nên đành phải đem bao PE đến nhà máy để mua nước đá. Từ đó, bà đi tham quan nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm và nhận thấy các nước trên thế giới đã sử dụng bao PE từ lâu. “Nhiều chuỗi nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng tiện lợi tại TP HCM hiện thu mua nguyên liệu cũng có chuẩn riêng, không thua gì nước ngoài. Họ không chỉ căn cứ trên giấy tờ chào hàng của công ty mà xuống trực tiếp kiểm tra nhà máy trước khi ký hợp đồng mua hàng. Nhờ đầu tư kỹ, nước đá Hồng Phúc đã vào được hệ thống các khu du lịch Văn Thánh, Bình Quới, Tân Cảng (thuộc Saigontourist), nhà hàng Tokyo Deli, Mini stop (thuộc AEON – Nhật Bản), nhà hàng Món Huế…” – bà Dung chia sẻ và tin tưởng sự đầu tư của doanh nghiệp là đúng hướng. Nhiều chiêu đối phó Ông Trần Minh Ngọc, chủ cơ sở nước đá Hào Phát (đường Hiền Vương, quận Tân Phú), cho biết nhiều lúc ra đường thấy đại lý chở bao nước đá dơ không khác gì bao móc từ cống lên. Gặp lúc cơ quan quản lý nhắc nhở về bao bì nên Hào Phát chủ động thay đổi bao PE cho sạch sẽ. “Cứ tưởng hàng đạt chuẩn sẽ được ủng hộ, nào ngờ đến chào hàng toàn bị đuổi về vì nhiều hàng quán không cần nước đá sạch, họ thích rẻ hơn nên xài nước đá gia công, chẻ từ đá cây trong điều kiện hết sức dơ bẩn!” – ông Ngọc chua chát. Ông Ngọc kể thêm khi rộ lên thông tin quán xá sẽ bị phạt nếu xài nước đá bẩn thì một số nơi chấp nhận lấy hàng. Tuy nhiên, nhu cầu họ cần 5 bao/ngày thì chỉ mua 1-2 bao, còn lại vẫn lấy chỗ cũ, cốt là “mượn” hồ sơ pháp lý nước đá đạt chuẩn để dán lên tường, lừa người tiêu dùng và đối phó cơ quan quản lý. “Tôi kiến nghị cơ quan quản lý nên mạnh tay với nước đá bẩn, khi phát hiện phải xử lý tiêu hủy” – ông Ngọc nói. Tuy nhiên, thực tế khảo sát thị trường cho thấy lượng nước đá đựng bao PP như cũ vẫn chiếm tỉ lệ áp đảo, các đại lý vẫn chiếm dụng vỉa hè, ngay miệng cống để chứa hàng. Vì thế nhiều nhà máy nước đá muốn có lộ trình dài hơn để chuyển đổi bao bì vì họ còn phải cạnh tranh với các cơ sở sản xuất chui, hầu như không tốn chi phí gì cho xử lý nước, xét nghiệm với giá thành siêu rẻ mà nhà nước chưa quản lý được. Ông Nguyễn Thế Trung, đại diện Công ty Sản xuất nước đá Trung Lợi (quận 9), cho biết qua khảo sát khách hàng, tỉ lệ khách chấp nhận giá cao hơn cho nước đá sạch rất thấp nên cần lộ trình dài hơn cho việc thực hiện bao bì kín. Còn theo ông Trần Quốc Sử, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Lương Hòa (quận Phú Nhuận), đầu tư chuyển đổi hết sức khó khăn nên sắp tới có thể công ty sẽ ngưng sản xuất để chuyển sang làm đại lý.
Nhiễm vi sinh, clo
Nước đá là một trong những mặt hàng có nguy cơ mất ATVSTP cao. Kết quả giám sát mới nhất được Chi cục ATVSTP TP HCM vừa công bố cho thấy có tới 12/22 mẫu không đạt chất lượng (nhiễm vi sinh, clo). Ngoài ra, nhiều cơ sở sản xuất không thực hiện xử lý nước có thể tồn dư kim loại nặng, hóa chất… dễ gây ngộ độc mạn tính cho người sử dụng.
Tiếp tay sẽ bị phạt tiền, bêu tên
Theo quy chuẩn về nước đá dùng liền, sản phẩm khi lưu thông trên thị trường phải có bao bì kín và được ghi nhãn hàng hóa, nhà sản xuất phải công bố hợp quy tại cơ quan quản lý và được cấp giấy tiếp nhận. Để có được giấy thông hành này, cơ sở sản xuất phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, phiếu xét nghiệm nguồn nước nguyên liệu và xét nghiệm thành phẩm nước đá đạt yêu cầu… Ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết sẽ xử phạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhận nước đá không bảo đảm các quy định trên với mức phạt từ 1-3 triệu đồng theo Nghị định 178. Ngoài công bố các cơ sở vi phạm, Chi cục ATVSTP sẽ đưa danh sách các cơ sở sản xuất nước đá thực hiện đúng quy định về bao bì (qua kiểm tra thực tế) trên website của chi cục để các cơ sở dịch vụ ăn uống tìm mua, là một hình thức hỗ trợ đầu ra cho họ.