Bà Tina Herford cho rằng Johnson & Johnson (J&J) và nhà cung cấp đã bán sản phẩm bột phấn rôm – có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh u trung biểu mô giai đoạn cuối cho bà.
Theo đó, tòa đã chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy sản phẩm phấn rôm trẻ em của J&J là không an toàn. Công ty cũng đã thực hiện đúng và phù hợp việc thiết kế nhãn sản phẩm và bán hàng dựa trên những nghiên cứu khoa học tại thời điểm hiện tại. Vì vậy, bồi thẩm đoàn bang California đã tuyên bố J&J không cần chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào đối với căn bệnh u trung biểu mô giai đoạn cuối của bà Herford.
Tòa án Mỹ bác bỏ tin Johnson & Johnson gây ung thư. Ảnh: Thanh niên
Trước các cáo buộc về nguy cơ ung thư tiềm ẩn của sản phẩm phấn rôm, J&J khẳng định mặc dù công ty rất cảm thông với tình trạng bệnh tật của những phụ nữ bị ung thư buồng trứng, nhưng các chứng cứ khoa học đã khẳng định độ an toàn của phấn rôm trẻ em do J&J sản xuất.
Công ty đã đệ đơn kháng cáo và giành chiến thắng trong các phiên tòa phúc thẩm. Gần đây nhất, Tòa phúc thẩm Los Angeles (bang California, Mỹ) đã hủy bỏ bản cáo buộc J&J bồi thường 417 triệu USD cho một phụ nữ bị ung thư buồng trứng trong phiên sơ thẩm vào ngày 21.8.
Tòa phúc thẩm cho biết cả hai bên liên quan không cung cấp bằng chứng tại phiên tòa hồi tháng 8, đồng thời nói thêm rằng những sai sót của bồi thẩm đoàn đã được ghi hình trong suốt phiên xử. Trên cơ sở đó, tòa ra phán quyết cho phép hãng Johnson & Johnson yêu cầu phiên tòa mới.
Bột Tan là một thành phần không thể thiếu trong phấn rôm và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân như màu mắt, phấn trang điểm, xà phòng, kem đánh răng, lăn khử mùi, kẹo cao su, dầu ô-liu, thuốc viên… Trong hơn một thế kỷ qua, Johnson’s Baby Powder, với thành phần bột Tan chuẩn mỹ phẩm là một sản phẩm quen thuộc được lựa chọn để chăm sóc trẻ nhỏ, chăm sóc da và trang điểm cho người lớn trên toàn thế giới.
Chuẩn bột Tan dùng trong mỹ phẩm có độ tinh khiết rất cao, ở cùng cấp độ với bột Tan sử dụng trong dược phẩm, và hoàn toàn không chứa a-mi-ăng và sợi a-mi-ăng (một chất có khả năng gây ung thư). Bột Tan chuẩn mỹ phẩm chỉ được khai thác tại các mỏ được lựa chọn kỹ, tại các khu vực có chứng nhận, và được nghiền thành các hạt với kích thước tương đối lớn, không thể xâm nhập đường hô hấp.
Tính an toàn của bột Tan đã được chứng minh từ hơn 30 năm nghiên cứu của các nhà khoa học có kiến thức chuyên môn sâu rộng. Các cơ quan y tế tại Mỹ và trên toàn thế giới cũng đã tiến hành xem xét các dữ liệu và xác nhận bột Tan là an toàn khi sử dụng trong việc chăm sóc cá nhân.
Một minh chứng cụ thể cho kết quả này là báo cáo từ công trình Nghiên cứu Sức khỏe các Y tá (The Nurses’ Health Study). Đây là nghiên cứu về sức khỏe phụ nữ lớn nhất từ trước đến nay do chính phủ Mỹ tài trợ. Theo đó, nghiên cứu được thực hiện trong vòng 14 năm trên 31.344 phụ nữ sử dụng bột Tan thường xuyên. Kết quả cho thấy không có sự gia tăng tỷ lệ ung thư buồng trứng trong tổng số những phụ nữ này.
Ngày nay, bột Tan được chấp nhận là an toàn khi sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, Canada cùng nhiều quốc gia khác như Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Indonesia.
Johnson’s Baby Powder chứa thành phần bột Tan theo chuẩn Dược Điển Mỹ (USP), không có a-mi-ăng, đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng, độ tinh khiết. Nguồn cung bột Tan của Johnson & Johnson thường xuyên được kiểm tra với những tiêu chí nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý trên toàn cầu.
Trước đó, hãng tin AP đã đưa tin, một bồi thẩm đoàn ở Los Angeles ngày 21/8 đã yêu cầu hãng Johnson & Johnson bồi thường khoản tiền kỷ lục 417 triệu USD cho nguyên đơn là bà Eva Echeverria, một người dân ở California, đang phải nằm viện điều trị ung thư buồng trứng.
Bà Echeverria đã đệ đơn khởi kiện, cáo buộc loại phấn rôm trẻ em của hãng Johnson & Johnson đã khiến bà bị ung thư buồng trứng sau một thời gian rất dài sử dụng. Đây là phán quyết đặt ra mức phạt lớn nhất với Johnson & Johnson trong số hàng loạt các vụ kiện tương tự nhằm vào hãng này trên toàn nước Mỹ.
Bà Echeverria cáo buộc Johnson & Johnson đã không cảnh báo đầy đủ với người tiêu dùng về các nguy cơ ung thư tiềm ẩn trong sản phẩm phấn rôm.
Theo tài liệu tố tụng, bà đã sử dụng phấn rôm của Johnson & Johnson hàng ngày từ những năm 1950 cho tới năm 2016. Năm 2007 bà bị chẩn đoán ung thư buồng trứng và bà cáo buộc nguyên nhân là do phấn rôm của Johnson & Johnson.
Ông Mark Robinson, luật sư của bà Echeverria cho biết, thân chủ của ông đang trong giai đoạn điều trị ung thư. Bà hy vọng phán quyết của bồi thẩm đoàn sẽ buộc Johnson & Johnson phải bổ sung các thông tin cảnh báo nguy hiểm lên bao bì sản phẩm của họ.
Ông Robinson nói: “Bà Echeverria đang chết dần chết mòn vì ung thư buồng trứng và bà ấy nói với tôi rằng, tất cả những gì bà mong muốn chỉ là giúp những phụ nữ khác trên toàn nước Mỹ đã bị ung thư buồng trứng vì sử dụng sản phẩm của Johnson & Johnson trong 20 hay 30 năm”.
Cũng theo luật sư của nguyên đơn, các chứng cứ trong vụ kiện đã bao gồm cả những tài liệu nội bộ trong nhiều thập kỷ “đã chứng tỏ với bồi thẩm đoàn rằng hãng Johnson & Johnson hiểu rõ nguy cơ của phấn rôm và chứng ung thư buồng trứng” nhưng không hề cảnh báo tới người dùng.
Tương tự, hồi tháng 5/2017 tại bang Missouri đã ra phán quyết ủng hộ một phụ nữ ở bang Virginia thắng kiện Johnson & Johnson trong một vụ việc tương tự. Ở vụ này, nguyên đơn được bồi thường 110,5 triệu USD.
Người phụ nữ trong vụ kiện đó bị ung thư buồng trứng năm 2012 và cũng cáo buộc nguyên nhân gây bệnh là do bà đã sử dụng các sản phẩm chứa bột phấn rôm của Johnson & Johnson trong hơn 40 năm.
Năm ngoái cũng đã diễn ra 3 phiên tòa xét xử khác ở St. Louis liên quan tới Johnson & Johnson và hãng này cũng bị xử thua kiện. Theo đó công ty này đã phải bồi thường cho các nguyên đơn lần lượt là 72 triệu USD, 70,1 triệu USD và 55 triệu USD. Tổng cộng là 307,6 triệu USD.
An Dương (T/h)