Vỏ lạp xưởng được người bán gọi là ruột heo khô, nhưng khi đốt lên dễ cháy, có mùi khét, ngâm nước không dễ tan… người tiêu dùng đặt ra nghi vấn “chất liệu lạ” dùng để làm vỏ lạp xưởng có thể được làm từ nhựa.
Làm từ ruột heo khô?
Thời gian gần đây, người tiêu dùng ưa thích món lạp xưởng gặp phải những hiện tượng chưa từng thấy. Lạp xưởng rất dai, có cảm giác nhai mãi mà không tan, lớp vỏ những tưởng không thể bị xé rách. Sự bất thường này khiến người tiêu dùng lo lắng và cho rằng mình đang ăn phải nhựa.
Theo cách thủ công, lớp vỏ lạp xưởng được làm dựa trên ruột heo tươi tươi, cạo sạch và mỏng dẹt mới thành. Nhưng trong sản xuất công nghiệp, các cơ sở chủ yếu sử dụng loại ruột heo khô đặc biệt, đã được sơ chế sẵn. Có nơi thậm chí còn sử dụng một loại vỏ được gọi là collagen, tuy nhiên thực tế loại vỏ này có thành phần collagen hay không thì nhiều người tiêu dùng còn rất tù mù.
Một đầu mối cung cấp cho biết, loại ruột heo này được xử lý như cách “thuộc da”. Vì thế, chỉ cần một bộ ruột heo dài vài mét đã có thể kéo dài cả chục, trăm mét theo cách làm này. Và thế là các cơ sở khi mua loại vỏ “đặc biệt” này về chỉ việc nhồi nguyên liệu trước khi sấy thành phẩm.
Theo chia sẻ của một chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng, loại vỏ được gấp thành từng xấp, mỗi xấp có trọng lượng khoảng 100gr, dài chừng hơn 10m. Khi sờ vào, có cảm giác giống như lớp vỏ làm bằng ni lông, mỏng, nhẹ và đặc biệt là rất dai này được gọi là ruột heo khô. Tìm đến nguồn cung cấp, giá gốc rẻ đến mức gây sốc cho người không ở trong nghề, chỉ 30.000đ cho hàng chục mét vỏ lạp sườn ấy và chủ yếu nguồn hàng được nhập về từ Trung Quốc.
Nên nhớ, làm vỏ luôn là khâu tốn nhân lực và có chi phí giá thành cao nhất trong các khâu làm lạp sườn. 30.000đ khi mua ruột heo tươi để tự chế biến sẽ chỉ thu được đoạn vỏ dài 2m, trong khi công sức bỏ ra rất lớn. Vậy, vỏ lạp sường được làm từ ruột heo khô vì sao lại có giá rẻ đến như vậy?
Collagen xịn hay… nhựa tái chế?
Bằng một số thí nghiệm đơn giản như đốt trên lửa, ngâm trong nước… với xấp “ruột heo đặc biệt”, loại nguyên liệu này có vẻ giống với ni lông hay cao su hơn là một loại thực phẩm. Chẳng hạn, khi hơ trên lửa, chất liệu này săn và co rút lại rất nhanh, có mùi khét của nhựa, và khi ngâm trong nước nhiều giờ vẫn không thấm nước, không có dấu hiệu bị bở.
Theo người có kinh nghiệm sản xuất lạp sường, vỏ lạp xưởng hiện được làm từ hai nguồn: ruột heo và ruột collagen. Loại ruột collagen làm bằng thực phẩm tổng hợp có tính năng co giãn, có thể ăn được và không gây độc hại cho người. Loại ruột collagen hiện nay chủ yếu hàng ngoại nhập. Riêng loại ruột heo khô thì khi ngâm vào nước sẽ mềm và có màu trắng ngà, dù có độ dai nhưng nếu dùng tay xé vẫn bị rách. Trên các trang mạng bán hàng online, ruột collagen vẫn được rao bán nhưng với giá không hề rẻ, khoảng 100.000đ cho cuộn dài 7,5m.
Dựa vào các đặc điểm trên, loại vỏ mà chúng tôi đã thử nghiệm không có vẻ gì giống collagen, lại càng không phải là ruột heo. Những mối nghi ngờ rằng vì hám lợi mà một số nơi sử dụng chất liệu lạ làm vỏ lạp xưởng là rất có cơ sở. Theo BS Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, ni lông hay nhựa nói chung là một loại hóa chất chỉ được dùng làm bao bì bên ngoài thực phẩm chứ không thuộc nhóm phụ gia, phẩm màu… sử dụng trực tiếp với thực phẩm. Nếu sử dụng phải nhựa nay ni lông sẽ có hại cho sức khỏe.
Nếu trước đây, người tiêu dùng lo lắng vỏ lạp xưởng làm từ ruột lợn thối ngâm hóa chất, thì bây giờ mối nghi ngại về loại vỏ có thể là nhựa tái chế này còn lớn hơn. Bởi lẽ, loại nhựa này sẽ trực tiếp đi vào bên trong cơ thể, tác động đến hệ tiêu hóa và các cơ quan bài tiết. Cũng vì thế, người dân đang cần một câu trả lời, một sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhất là trong giai đoạn nửa cuối năm, thị trường tiêu thụ lạp xưởng ngày một tăng cao.