Khu chế biến tạm bợ, sản phẩm đựng trong những xô chứa cáu bẩn… là hình ảnh dễ thấy tại cơ sở sản xuất thạch đen – món ăn “hút khách” trong những ngày nóng nực tại Hà Nội.
Trong vai người tìm mua thạch đen bỏ mối cho các chợ tại khu vực Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi được cánh xe ôm ở chợ đầu mối Đồng Xuân hướng dẫn tới cơ sở sản xuất Thanh Hà, tại ngõ chùa Hưng Ký (Minh Khai, Hà Nội). Theo giới thiệu, đây là một trong hai cơ sở sản xuất thạch đen cho các nhà hàng, quán cóc trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi không thể quên lời chỉ dẫn: “Rẽ vào ngõ chùa Hưng Ký tầm vài mét, nhìn bên phải có con mương đen ngòm là thấy ngay cơ sở làm thạch”. Nếu không có lời mô tả, có lẽ, sẽ khó hình dung cơ sở sản xuất thạch “có tiếng” này lại nằm ngay trong con hẻm chỉ rộng chừng 2m. Đầu hẻm là dòng mương bốc mùi hôi hám. Rác thải, củi gỗ chất ngổn ngang như bãi rác công cộng.
Cơ sở sản xuất thạch đen Thanh Hà nằm sát vách với cơ sở sản xuất thạch đen Hưng Hiền và “chìa” ngay ra mặt hẻm. Gọi là cơ sở nhưng nơi sản xuất thạch của hai hộ này được xây dựng tạm bợ, lụp xụp và chỉ rộng vẻn vẹn tầm 20m2. Nước bẩn lênh láng trên nền xưởng và chảy xuống cả mặt đường.
Khoảng 8 giờ sáng, khi chúng tôi có mặt tại ngõ chùa, cơ sở Hưng Hiền đang hoàn thành một mẻ thạch mới. Sau khi đun lá thạch và đạt độ kết dính theo yêu cầu, hai công nhân của cơ sở mở vòi dẫn trên thân nồi và xả thẳng vào các xô sắt dung tích chừng 15 lít. Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ số xô được cọ rửa qua loa bằng nước lã, sau đó úp chồng lên nhau trong nhà xưởng. Nhiều xô đã cũ rỉ, móp mép. Sau khi thạch đen được đổ vào xô chứa, công nhân nhanh chóng xếp toàn bộ số xô này… sang phía bên đường và các ngách lân cận. Các xô thạch không hề được che đậy, nằm “tơ hơ” mặc cho bụi bẩn. Lá thạch đen bó chặt theo khối, không bao bọc ni lông, đặt thẳng xuống nền đường để tiện chế biến tại xưởng.
Mặc cho quy trình sản xuất thạch không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, nhưng hàng ngày, hai cơ sở sản xuất thạch Hưng Hiền và Thanh Hà đều cho ra lò cả tấn thạch. Theo nhân viên của cơ sở thạch Thanh Hà, mỗi xô thạch nặng 13,5kg và có giá 100.000đ nếu khách hàng lấy tại cơ sở. Khi hỏi cách bảo quản thạch, chúng tôi được tư vấn: “Kể cả những ngày nóng, thạch để bên ngoài được hai ngày vẫn dùng tốt”. Nhìn những chiếc xô đen cáu không được gói ghém, che đậy và bề mặt thạch sủi bọt nâu, nhiều người dễ lầm tưởng đây là xe thu gom thức ăn thừa dùng để… chăn nuôi.
Tại chợ Đồng Xuân, thạch đen được bày la liệt ở cửa hàng “di động” ngay trước khu vực cửa số 12. Người bán hàng úp ngược xô để đổ khối thạch lên trên mặt thùng carton. Do xô thạch không được rửa sạch nên sau khi đổ, bề mặt thạch còn lợn cợn đầy cặn bẩn. Người bán hàng thản nhiên cầm tấm giẻ đen kịt, lau bờ mặt thạch cho… sạch và bắt mắt. Thấy chúng tôi tỏ ý e ngại, anh này xua tay: “Mỗi ngày tôi bán cả 100 xô thạch có ai thắc mắc gì đâu. Thấy bẩn chỗ nào thì cắt chỗ đó đi là… sạch liền”. Những ngày nắng nóng, thạch đen ở đây bán hết từ sáng sớm, chủ yếu giao về các chợ và các cửa hàng chè, tào phớ.
Chị Nguyễn Thị Hồng, bán thạch lẻ tại một chợ ở Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Thạch đen nấu từ lá nên mát và có vị thanh hơn hẳn so với thạch rau câu làm từ bột bán sẵn. Giá thạch cũng không cao, lại tiện lợi nên món này bán rất chạy”. Nhìn miếng thạch đen óng, khó ai hình dung được, món ăn đắt khách bậc nhất trong những ngày hè này lại được sản xuất bằng dây chuyền thủ công, không đảm bảo an toàn vệ sinh.
H.ANH