Không phải đến tận hôm nay mà đã từ lâu, nhu cầu về thực phẩm sạch trở nên bức thiết đối với người tiêu dùng, thế nhưng chưa thực sự có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này. Những mô hình phát triển và cung cấp sản phẩm sạch thành công cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Từ câu chuyện về rau…
Chúng tôi đến thăm một trang trại rau hữu cơ trên địa bàn Dầu Tiếng (Bình Dương) vào một ngày cuối tuần nắng gắt. Dù đang ở trong tình trạng khô hạn, nhưng nhờ hệ thống tưới tiêu cấp nước cho sản xuất nông nghiệp ở đây được đầu tư bài bản, nên những luống rau sạch vẫn sinh sôi, phát triển mạnh mẽ.
Không chỉ có vậy, định hướng sản xuất ở trang trại này là nói không với phân hóa học, thuốc trừ sâu, chỉ sử dụng phân hữu cơ đã qua xử lý biogas và dùng nguồn nước sạch mang lại dinh dưỡng cung cấp cho rau. Trên mảnh đất hơn 1 ha, gần chục công nhân ngày ngày làm cỏ, bắt sâu, gieo hạt, thu hoạch, đóng gói… trong không gian mướt mát màu xanh. Chỉ vào 1 vạt rau bị cắt bỏ, chị Thúy, chủ trại rau hữu cơ nói: “Luống rau này buộc phải cắt bỏ vì sâu nhiều ăn hỏng lá, có bán cũng không có người mua”.
Kể lại “hành trình” sản xuất rau sạch chị nói đã quyết tâm đầu tư trồng rau hữu cơ từ lâu, nhưng đã không ít lần nản chí và muốn bỏ cuộc. Bắt tay vào dự án mới gần nửa năm, chị đã phải đầu tư vài tỷ đồng, nhưng thu lại hết sức nhỏ giọt. Lý do là trồng rau hữu cơ năng suất thấp, chi phí cho nhân công cao, chủng loại mặt hàng rau không đa dạng, giá lại đắt hơn nhiều so với rau ngoài thị trường, trong khi lượng tiêu thụ cũng không ổn định.
… Đến hạt gạo hữu cơ
Tương tự như vậy, đầu tư cho sản xuất loại gạo hữu cơ từ năm 2009, từ khi thị trường vẫn còn rất mơ hồ với các sản phẩm chủng loại này, sản phẩm gạo Hoa Sữa là một trong số ít sản phẩm hiếm hoi của Việt Nam được trồng hữu cơ 100% và đạt chứng nhận theo quy định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhưng nhưng đến nay, Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú với thương hiệu gạo hữu cơ Hoa Sữa đã bắt đầu thấy bí vì thiếu vốn đầu tư dù đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm gạo Hoa Sữa.
Thừa nhận nhu cầu gạo hữu cơ trên thị trường thế giới là rất lớn, nhưng ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú cho biết, công ty phải nhiều lần “quay mặt” làm ngơ với đơn hàng, lý do chính là không đủ sản lượng cung cấp ổn định cho khách hàng.
Để có sản lượng lớn với đầu ra ổn định, công ty phải đầu tư lớn, nhưng tiềm lực tài chính eo hẹp đã khiến giấc mơ của Viễn Phú khó lòng bay xa. Cho đến nay, Viễn Phú đã rót hơn 70 tỷ đồng cho việc đầu tư trồng gạo hữu cơ trên 320 ha đất ở vùng U Minh Hạ – Cà Mau và hầu như đã cạn vốn để có thể mở rộng dự án. “Làm nông nghiệp đã rủi ro, làm nông nghiệp hữu cơ còn rủi ro hơn rất nhiều và yêu cầu phải trường vốn mới mong trụ vững”, ông Khải chia sẻ.
Mới đây, doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) đã quyết định rót 900 triệu đồng để hỗ trợ cho dự án trồng lúa hữu cơ của chàng thanh niên 25 tuổi Võ Văn Tiếng. Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Cỏ May cho biết, thị trường đang rất cần các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên là người từng đầu tư trồng gạo sạch và nấm sạch, ông Thiện hiểu rằng, đầu tư cho nông nghiệp hữu cơ là một bài toán dài hơi, không chỉ cần vốn đầu tư lớn mà cả ý chí quyết tâm của người đeo đuổi dự án. Đó cũng là lý do ông Thiện quyết định bơm vốn kịp thời cho dự án trồng lúa hữu cơ của Võ Văn Tiếng, tránh cho dự án bị “đứt gánh giữa đường“.
Dự án trồng gạo hữu cơ của Tiếng, dù năng suất thu hoạch thấp hơn canh tác theo cách thông thường, nhưng đã cho thấy nhiều kết quả khả quan. Với 2 ha trong vụ đầu tiên, Tiếng thu hoạch được 4,1 tấn lúa cao cấp Nàng Hoa, đạt khoảng 80% sản lượng so với cách canh tác cũ. Mặc dù bán ra thị trường có giá đắt hơn khoảng 20%, nhưng được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Đã bắt đầu canh tác các sản phẩm hữu cơ từ 4 năm nay, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit cho rằng, thay vì đầu tư cho nông nghiệp theo hướng công nghiệp, các doanh nghiệp nên đầu tư theo hướng làm nông nghiệp hữu cơ, bởi đây là xu hướng nông nghiệp được cả thế giới đón nhận, hơn nữa việc lùi về canh tác theo hướng cha ông vẫn làm cũng dễ dàng hơn việc tiến lên xây dựng nông nghiệp hiện đại.
“Với cách canh tác manh mún nhỏ lẻ như hiện nay, chúng ta sẽ rất khó đuổi kịp các quốc gia khác có công nghệ canh tác hiện đại, quy mô nông nghiệp lớn. Hơn nữa, việc làm nông nghiệp sử dụng hóa chất hàng loạt sẽ không giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững. Thay vào đó, chúng ta có thể tận dụng thế mạnh của mình là đội ngũ nhân công nhiều, canh tác theo hướng gần với tự nhiên nhất mà lại đem lại giá trị gia tăng cao”, ông Viên giải thích.
Ông Viên khuyên những nhà đầu tư nên chọn sản phẩm canh tác cho phù hợp, dễ dàng tăng trưởng và phát triển trong điều kiện không cần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, có thể sớm tạo ra doanh thu để tái đầu tư tiếp.
Chẳng hạn ở Vinamit, hiện nay công ty đang đầu tư trang trại 200 ha trồng trái cây hữu cơ, chủ lực là mít, xoài và sầu riêng. Khi đã có những sản phẩm hữu cơ tạo ra doanh thu ổn định mới tính đến chuyện làm những sản phẩm khó hơn và đầu tư lớn hơn như trồng rau và chăn nuôi hữu cơ .
Lê Dung (Theo Diễn đàn Doanh Nghiệp)