(NTD) – Tại buổi sơ kết, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhận xét, trong một thí điểm vừa qua, Ban Quản lý ATTP đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc sắp xếp tổ chức quản lý liên quận – huyện.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM. |
Giải quyết ngay vấn đề tồn đọng
Tuy chưa đạt mức độ tối đa về thực phẩm an toàn vì những hệ lụy trước đó, nhưng nhìn chung người dân thành phố đã cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng thực phẩm của chợ, siêu thị ở các quận, huyện, thành phố.
Trong năm vừa qua, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã triển khai lấy 3.649 mẫu thực phẩm nhằm giám sát độ an toàn của thực phẩm sản xuất và kinh doanh trên địa bàn TP.HCM. Thành lập Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm. Nhờ vậy trong hơn 2 tháng đầu năm 2018, TP.HCM chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào, điều này khiến người dân thành phố rất phấn khởi.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề còn tồn đọng cần phải đốc thúc giải quyết ngay trong năm 2018. Việc chuyển giao mô hình truy xuất nguồn gốc từ Sở Công thương TP.HCM về Ban hay điều động nhân sự thanh tra từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Công thương thành phố cũng cần phải được hoàn thành sớm.
Thành công bước đầu cần được phát huy
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM chia sẻ, mô hình thành công nhất của Ban Quản lý ATTP là mạng lưới, đội ngũ quản lý ATTP liên quận – huyện và các chợ đầu mối; thứ 2 là mô hình phối hợp với các khu chế xuất, khu công nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo để cung cấp thực phẩm sạch, vì hai đối tượng dễ gặp tình trạng ngộ độc thực phẩm nhất là công nhân và học sinh; thứ 3 là phát triển một chuỗi thực phẩm an toàn, tìm đầu ra cho thực phẩm sạch, vì đánh giá về ATTP không chỉ đánh giá trên việc vụ việc ngộ độc, số vụ việc vi phạm mà ATTP chỉ được đánh giá trên phương diện số lượng, chất lượng tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân ngày càng tăng.
Sông Trường