Kết quả giám sát, đánh giá chất lượng nước ngầm mới đây ở một số quận, huyện vùng ven cho thấy hàm lượng amoni cao vượt giới hạn cho phép.
Kết quả giám sát mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy hiện trên địa bàn thành phố có gần 170.000 hộ dân đang sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm, chứa chất gây ung thư.
Theo bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nguồn nước giếng khoan không đạt yêu cầu rải đều nhiều quận, huyện vùng ven, ngoại thành như huyện Hóc Môn có hơn 99% mẫu nước không đạt chỉ tiêu lý hóa, quận 12 (gần 99%), Củ Chi và Thủ Đức (hơn 98%), Bình Tân (trên 93%), Bình Chánh (hơn 89%)…, trong đó hàm lượng amoni cao vượt giới hạn cho phép 9,14%.
Các chuyên gia y tế nhìn nhận, những yếu tố gây ô nhiễm môi trường từ bề mặt đã khuếch tán và thẩm thấu xuống tầng nước ngầm, làm nguồn nước bị ô nhiễm. Nước ngầm có độ pH thấp, hàm lượng sắt tổng số cao khiến nước có màu vàng, mùi tanh, vị chua.
Đáng chú ý nước có hàm lượng amoni cao cho thấy nước bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ như nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi…
Amoni trong nước ngầm khi gặp ôxy trong không khí chuyển hóa thành nitrat và nitrit. Hai chất này khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo nên tình trạng methemoglobin (thiếu ôxy trong máu), kết hợp với các axít amin trong cơ thể hình thành chất nitrosamine gây ung thư.
Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm khuẩn huyết…
Điều đáng nói là tại nhiều quận, huyện vùng ven, người dân vẫn còn tâm lý thờ ơ với nước máy, sẵn sàng sử dụng nước giếng khoan hoặc nước đóng bình. Hiện nay, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch hiện nay là 80,9%, còn 19,1% các hộ dân phải sử dụng nguồn nước tự khai thác.