Home / Tin Tức / Hà Nội: Có quán cơm bán rượu chứa độc chất methanol gấp 2.000 lần cho phép

Hà Nội: Có quán cơm bán rượu chứa độc chất methanol gấp 2.000 lần cho phép

11 người ở Hà Nội bị ngộ độc rượu trong gần 2 tuần, có trường hợp tử vong, Hà Nội đã truy lùng rượu độc ở khắp các quận, huyện. Có 2 mẫu rượu chứa hàm lượng methanol gấp 900-2.000 lần cho phép.

Chiều 7/3, tại cuộc họp khẩn Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) về phòng chống ngộ độc rượu methanol, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 22/2 đến 7/3, Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 11 bệnh nhân nam từ 40-54 tuổi, địa chỉ cư trú tại 5 quận huyện của Hà Nội gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Phúc Thọ, Ba Đình… bị ngộ độc rượu.

photo-1-1488891818268
Thăm khám bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: V.Thu

Các bệnh nhân vào viện với triệu chứng như: người mệt mỏi, đau đầu, nhìn mờ, hôn mê, xét nghiệm methanol trong máu cao, từ hơn 40 – 318mg/dL, chẩn đoán ngộ độc methanol. Đã có bệnh nhân tử vong, quê ở Xuân Phú, Phúc Thọ, Hà Nội.

Trong số các bệnh nhân ngộ độc methanol, các bệnh nhân báo cáo nơi ăn uống có thể là ở cửa hàng ăn uống, bãi cỏ ven đường (như trường hợp Trần Văn T, 40 tuổi, ở ngõ 36, Ngọc Khánh, Ba Đình), bún ngan vỉa hè (như trường hợp Nguyễn Minh K (37 tuổi, ăn bún ngan vỉa hè, dốc viện Nhi Trung ương)…, có trường hợp bệnh nhân không nhớ, người nhà không biết…

Gần đây nhất, ngày 6/3, phát hiện thêm 2 bệnh nhân gồm anh Lang Văn V (26 tuổi, ở trú tại Thái Hà, Hà Nội). Theo báo cáo, khoảng 1h15 phút ngày 6/3, Trung tâm Chống độc có tiếp nhận bệnh nhân này, với biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, đau bụng, chóng mặt. Chẩn đoán ngộ độc methanol, định lượng methanol trong máu là 118mg/dL. Bệnh nhân không có tiền sử nghiện rượu. Đến cuối ngày 6/3, bệnh nhân tỉnh táo nhưng rất mệt mỏi.

Một bệnh nhân khác cũng nhập viện vào 6/3 là ông Lò Văn S( 60 tuổi, ở Điện Biên), đang làm việc tại Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội. Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 9h15, ngày 6/3, khi có biểu hiện đau đầu, nhìn mờ, đau bụng, chóng mặt, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đống Đa. Khoảng 1 giờ sau, bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê chẩn đoán, theo dõi ngộ độc methanol, kết quả xét nghiệm methanol là 38,9mg/dL. Đến nay, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê.

Theo nhận định của Phó giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung, các trường hợp ngộ độc methanol rất nặng, những người bị ngộ độc có địa chỉ cư trú xa nhau, không uống rượu cùng một địa điểm, nghĩ nhiều đến rượu nấu pha chế thủ công, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác.

Chi cục ATVSTP Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tình hình kinh doanh rượu trên địa bàn. Ngoài ra, các quận/huyện cũng tổ chức tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu.

Tổng số cơ sở được kiểm tra là 225 cơ sở, lấy mẫu xét nghiệm tại labo là 25 mẫu, xét nghiệm nhanh 3 mẫu có 1 mẫu dương tính. Niêm phong 1.970 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tiến hành xử phạt 18 cơ sở với số tiền gần 70 triệu đồng.

Các mẫu rượu được lấy để đi xét nghiệm như rượu trắng, rượu nếp, trắng pha cẩm, rượu ngâm chuối hạt, nếp cái hoa vàng… tại các quận Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thường Tín…

Kết quả phát hiện 2 mẫu có chứa hàm lượng methanol gấp từ 900-2.000 lần mức cho phép (100mg/L). Cụ thể, đó là mẫu được lấy từ 2 chai rượu trắng pha cẩm ở hàng cơm V.T, số 95 khu giãn dân phường Mộ Lao, Hà Đông cho kết quả 202.475mg/L. Và mẫu rượu được lấy từ rượu ngâm ở gia đình ông Nguyễn Đình Ch, số 59, tổ 24, phường Khương Đình, Thanh Xuân, có nồng độ là 89.680mg/L.

Tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho biết, vấn đề đặt ra là làm thế nào quyết liệt, có biện pháp mạnh truy tận nguồn gốc và xử phạt “đúng người đúng tội” mới có tính răn đe. Để làm được điều này, cảnh sát điều tra phải vào cuộc truy xem nguồn gốc rượu gây ngộ độc từ đâu.

Ngoài ra, theo ông Long, UBND xã/phường tăng cường tuyên truyền về tác hại của rượu không nguồn gốc. Sở Y tế xem xét có nên cấm các cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ bán rượu trắng không nguồn gốc, sau đó đi kiểm tra xem việc thực hiện như thế nào. Cùng với việc tuyên truyền tác hại và hậu quả của rượu không nguồn gốc cần tuyên truyền để người kinh doanh hiểu được rằng, nếu bán rượu gây tử vong sẽ bị xử lý hình sự.

Theo kenh14

Tin mới

Xử phạt hơn 55 triệu đồng đối với Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Cường Anh Authentic

(NTD) – Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã ban hành quyết …

Hotline: 0909 89 87 83