Home / Tin Tức / Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chất cấm trong chăn nuôi tác hại không thua kém ma túy

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Chất cấm trong chăn nuôi tác hại không thua kém ma túy

Mục tiêu của đợt cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp từ nay đến 2/2016 là giải quyết tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Sử dụng tràn lan chất cấm trong chăn nuôi

Trình bày báo cáo tại hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp chiều 19/10, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad) cho biết, 9 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức 22 đoàn thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất.

Nhức nhối tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Chất cấm trong chăn nuôi đang bị sử dụng tràn lan gây hại cho người tiêu dùng

Kết quả cho thấy, cơ quan chức năng đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt, với tổng số tiền là 21,8 tỷ đồng.

Số liệu giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) nông thủy sản trên diện rộng 9 tháng đầu năm của Nafiquad cũng cho thấy tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, một số chỉ số ATTP chưa có cải thiện so với năm 2014. Cụ thể, 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng.

Đặc biệt, đợt thanh tra đột xuất của Thanh tra Bộ tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đã phát hiện và xử lý 5 công ty sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi không có trong danh mục cho phép.

5 cơ sở nêu trên bao gồm Công ty CP SX&TM Đại An Tín, Công ty TNHH Vimark, Cơ sở sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên, Công ty TNHH  thuốc thú y- thủy sản Cường Phát, Công ty TNHH Cổ phần thương mại và sản xuất Bắc Âu Mỹ.

Cũng trong đợt thanh kiểm tra này, cơ quan chức năng đã tiêu hủy tại chỗ 13,3 kg hóa chất vàng ô là chất tạo màu trong chăn nuôi gia cầm, có thể gây ung thư. 20kg chất bột màu trắng nghi là chất cấm  Salbutamol tạo nạc không rõ nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ cũng bị cơ quan chức năng phát hiện và tịch thu.

Nhận định về tình hình sử dụng chất cấm tràn lan hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, tình hình cải thiện song tốc độ chậm hơn so với mong đợi. “Gần đây nổi lên một só việc nổi cộm gây lo lắng cho nhân dân, ảnh hưởng tới uy tín nông sản như sử dung chất cấm, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuoi và thủy sản, lạm dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt…”, Bộ trưởng nói.

Xử lý triệt để tình trạng dùng chất cấm trong chăn nuôi

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để giải quyết tình trạng trên, trước hết cần tập trung xử lý những vấn đề nổi cộm. Bộ trưởng kiến nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phối hợp để triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong nông nghiệp.

Mục tiêu của đợt cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp kéo dài từ nay đến hết tháng 2/2016 là giải quyết tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là nhóm chất tạo nạc Salbutamol và chất Vàng Ô (thường sử dụng làm ve tường trong xây dựng); hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi, tạo niềm tin cho người tiêu dùng thực phẩm nông sản, thuỷ sản.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y tế hiện đang rất mong muốn Đề án thanh tra thí điểm về thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bộ là Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương.

Theo ông Long, điểm nổi bật của đề án trên là cho phép thanh tra cả tuyến huyện và tuyến xã. Thủ tướng cho phép trưng dụng hoặc giao nhiệm vụ cho công chức, viên chức tuyến huyện xã để thực hiện thanh tra.  Ngoài ra, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: “Người thanh tra độc lập được xử lý vi phạm như cảnh sát, được xử lý vi phạm và phạt tiền với đúng mức ngưỡng như cảnh sát phạt. Tổng số tiền phạt được giữ lại 100% cho các cơ sở. Chính phủ không cho tăng biên chế mà chỉ giao nhiệm vụ và quyền hạn xử lý”.

Tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện rất đáng lo ngại. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, một số người dân phản ánh mua bịch nilong chất cấm về trộn vào thức ăn. “Tương tự với chất kháng sinh, năm nay người chăn nuôi thủy sản dùng kháng sinh rất nhiều vừa với mục đích trị bệnh vừa với mục đích là pha kháng sinh vào thức ăn để kích thích tăng trưởng. Việc này sẽ rất nguy hại bởi nó sẽ để lại dư lượng kháng sinh lớn trong cơ thể vật nuôi. Người ăn nhiều các nông sản này dẫn đến nhờn kháng sinh”, Bộ trưởng nói. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị ngành y tế kiểm soát ngặt nghèo việc nhập khẩu và kinh doanh một số loại kháng sinh được sử dụng tràn lan trên.

Đặc biệt, để việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi được đẩy mạnh hơn, tại cuộc họp, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra và xử lý như đối với chất ma túy. “Chất cấm trong chăn nuôi tác hại không thua kém ma túy. Do đó phải triệt phá bằng được, mọi thứ cứ đều đều là không được, phải cùng nhau chiến đấu. Đề nghi hộ̣i nông dân, phụ nữ… phối hợp đấu tranh với những đối tượng vì lợi ích cá nhân”, Bộ trưởng nói.

Sau khi nghe các Bộ và địa phương báo cáo tình hình, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ quan điểm đồng tình việc các Bộ ngành cùng phát động tháng cao điểm về vệ sinh ATTP. Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung vào 3 chất cấm là vàng ô, sabutamol và thuốc bảo vệ thực vật. “Trong đó, hội nông dân, phụ nữ phải kết hợp với các ngành của mình, cảnh báo tới từng hộ nông dân và người tiêu dùng nguy cơ cụ thể. Ví dụ, đối với dư lượng vàng ô, phải nói tới cùng cho mọi người hiểu là cái gì, tác hại như thế nào… hiểu rồi ai tiếp tục thì là vi phạm, xử lý”, Phó Thủ tướng nói.

 

Theo Chất lượng Việt Nam

Tin mới

Xử phạt hơn 55 triệu đồng đối với Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Cường Anh Authentic

(NTD) – Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã ban hành quyết …

Hotline: 0909 89 87 83