Với giá thành rẻ, tiện ích, túi nilon, hộp xốp, hộp nhựa được sử dụng phổ biến để đựng đồ ăn thức uống tại khắp các chợ hay quán ăn trên địa bàn Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước.
Tại chợ nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, nước đậu, tào phớ, canh nóng,… được tiểu thương đựng trong túi nilon, bày bán ngót nghét cả tiếng nhưng khi cầm vẫn thấy nóng bỏng, nhiều túi còn có mùi nồng của nhựa.
Nhiều tiểu thương biện bạch, kinh doanh các mặt hàng giá vài nghìn đồng nếu không dùng loại túi nilon thì lời lãi chẳng bao nhiêu. Ngoài ra, chi phí rất rẻ, tiện lợi khi sử dụng…
Tại các quán ăn gần khu vực trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, một xuất cơm bình dân giá chỉ từ 12.000 – 20.000 đồng. Toàn bộ cơm nóng, đồ ăn chiên xào, canh nóng… được đựng trong hộp xốp. Với giá chỉ từ 300- 500 đồng/ hộp nên các quán ăn thường sử dụng để đựng đồ ăn nếu khách có nhu cầu đem về, hoặc giao hàng tận nơi.
Các quán vịt nướng, cháo, đồ ăn vặt vỉa hè, xôi nóng,…cũng sử dụng loại hộp nhựa, hộp xốp để đựng đồ ăn nóng. Theo các chủ hàng, đồ ăn khi cho vào hộp sẽ không còn nóng tới 100 độ C nên không gây hại cho sức khỏe.
“Nhiều quán, cho ngay tào phớ, nước đậu vào túi nilon sau khi nấu xong. Nhiều hôm mua nước đậu về để cả buổi cầm vào vẫn ấm tay”, chị Tâm ở phường Minh Khai cho biết.
Biết hộp xốp, hộp nhựa có hại cho sức khỏe nhưng Chung, sinh viên Đại học Thái Nguyên đành phải nhắm mắt mua vì phòng không có sẵn đồ nấu nướng.
“Mỗi lần mua cơm, chủ quán toàn đựng cơm nóng, canh nóng trong hộp xốp, túi nilon, thậm chí, nhiều hôm cơm đựng trong hộp xốp còn bốc mùi hóa chất sặc sụa”, nam sinh viên chia sẻ.
Cục An toàn thực phẩm từng khuyến cáo không nên sử dụng hộp xốp đựng thức ăn, đồ uống nóng, nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán, salad và đồ uống vừa nóng vừa chua như trà chanh, do nhiệt độ cao kết hợp với hàm lượng acid cao làm tăng nguy cơ thôi nhiễm styrene (hóa chất sử dụng để sản xuất vật liệu làm nên hộp xốp). Hộp xốp chỉ sử dụng một lần, nếu đựng thức ăn thì nên để nguội mới cho vào hộp.
Kỹ sư Vũ Tân Cảnh, Phòng Vật liệu Polyme và Compozit, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học vàCông nghệ Việt Nam) cho biết, về nguyên tắc, những vật dụng bằng nhựa chỉ dùng để đựng thức ăn nguội. Khi đựng đồ nóng, hàm lượng monostyren (một chất độc) trong loại nhựa này giải phóng ra càng nhiều gây tổn hại đến gan và nhiều bệnh khác. Không chỉ nhiệt độ cao, loại nhựa này khi gặp dầu mỡ, muối mặn, axít… sẽ gây độc tố hại cho con người.
Theo GS. TS. Nguyễn Văn Khôi, Viện Hóa học cho biết, chất lượng nhựa trên thị trường hiện nay không kiểm soát được. Những sản phẩm dùng để ăn uống được làm từ nhựa tái chế rất nguy hiểm. Dù chưa thể biết độ độc hại đến đâu, nhưng nếu sản phẩm từ nhựa rác thải thì người dùng có nhiều nguy cơ bị nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, chúng ta không kiểm soát được chất phụ gia cho vào để sản xuất nhựa tái chế như chất bột đá, chất hóa dẻo… Bên cạnh đó, nhựa làm từ rác thải có nhiều beoxit độc hại, nhiều tạp chất, mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe con người. Cũng theo TS. Khôi, nhựa có thể tái sinh nhưng tái sinh với mục đích gì mới là điều quan trọng, nhưng tái sinh từ rác để làm đồ dùng ăn uống thì cần phải kiểm định gắt gao
Bàn về vấn đề nhựa tái sinh, cũng có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nhựa chỉ tái chế 1 lần thôi cũng sinh ra nhiều hợp chất độc hại, tái chế nhiều lần sẽ càng độc hơn. Vì hàm lượng chất độc sinh ra rất thấp, nên người tiêu dùng chưa thấy được ngay tác động, nhưng sử dụng trong thời gian dài thì chất độc sẽ tích lũy dần trong cơ thể và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến ung thư…
Theo vietq.vn