Chuyên gia cho rằng, để giải quyết những vấn đề về an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng được mua và sử dụng những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng chỉ có một cách duy nhất là siết chặt quản lý từ quản lý người nông dân cho tới người thực thi pháp luật.
An toàn thực phẩm đang được xem là “tử huyệt” của ngành nông nghiệp Việt Nam. Hàng loạt các phát hiện về chất cấm, chất tạo nạc, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… thực sự gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng.
Riêng trên địa bàn Hà Nội, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, với gần 10 triệu dân, mỗi ngày Hà Nội cần tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau quả các loại… Tuy nhiên, sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 69% nhu cầu thịt, 32% nhu cầu cá, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại. Gần 30% còn lại là nhập từ các tỉnh, thành khác về.
Điểm đáng lưu ý, hầu hết thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.
Mua hàng bằng tai mắt thay vì… bằng não?
Tuần trước, những chia sẻ với tiêu đề “Tại sao mẹ Việt nuôi con bằng “tai và mắt” thay vì bằng não?” trên trang cá nhân của nhà văn Trang Hạ gây “bão” trên cộng đồng mạng. Tại đây, Trang Hạ thẳng thắn: “Tâm lý của các mẹ hễ cái gì cho con cho gia đình mình là phải tốt nhất ngon nhất, thế nên hàng loạt các loại thực phẩm “siêu sạch” ra đời như rau siêu sạch, trứng siêu sạch, thịt siêu sạch… nhưng ai chứng nhận cho các mẹ là thực phẩm đó thực siêu sạch?”
Nhà văn này cũng liệt kê ra hàng loạt những ví dụ chứng minh cho sự “ngược đời” trong việc lựa chọn thực phẩm mà các bà nội trợ đang mắc phải. Trong đó, có thể kể tới như ví dụ: rau non, to xanh mơn mởn thì bảo phun thuốc sâu thuốc tăng trưởng, rau héo hơn, cằn một tý thì cho là rau sạch. Trứng gà lỡ to và sạch thì gà nuôi công nghiệp, gà Trung quốc, trứng có dính tý bẩn hay tý trấu thì trứng gà nhà nuôi…
“Chả có cơ quan nào chứng cho các mẹ đấy là rau sạch, thịt sạch cả. Các mẹ đừng biến gia đình mình thành phòng thí nghiệm và con là những chú chuột bạch. Thay vào đó hãy truy xuất nguồn gốc thông tin tận gốc trước khi mang nó về cho con mình”, Trang Hạ khuyến cáo người tiêu dùng.
Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng những phát ngôn trên có phần “đanh đá” nhưng đa phần đều phải thừa nhận rằng, với thị trường hiện nay người tiêu dùng đúng là “chả biết đâu mà lần” và “việc kiểm tra chất lượng bằng mắt thường kinh nghiệm chỉ hạn chế phần nào chứ không thể giúp phát hiện hay hạn chế thực phẩm bẩn”.
Giống như nhiều người tiêu dùng khác, bình luận về vấn đề này, chị Nguyễn Yến (Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Đây đúng là thực trạng hiện tại của Việt Nam. Là người tiêu dùng ai chẳng muốn tìm hiểu tận gốc gác của thực phẩm mình mua về nhưng truy ở đâu, truy như thế nào, ai chỉ giúp cho chúng tôi?”
Ai sẽ giúp người tiêu dùng?
GS Võ Tòng Xuân cho rằng, để giải quyết những vấn đề về an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng được mua và sử dụng những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng chỉ có một cách duy nhất là siết chặt quản lý từ quản lý người nông dân cho tới người thực thi pháp luật.
“Nếu quản lý siết chặt thì nông dân buộc phải làm theo, từ đó mới có thể sản xuất ra những thực phẩm an toàn. Mình cũng cần phải kêu gọi bà con nông dân thức tỉnh, đổi mới tư duy, phải học và biết được phương cách làm nông nghiệp công nghệ cao để bảo vệ cho mình và cộng đồng. Đồng thời, phải tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường và tăng hình thức xử phạt lên”, vị giáo sư nói.
Còn theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Đoàn luật sư Hà Nội), hiện các chế tài vi phạm đã đủ sức răn đe, tuy nhiên việc gia tăng các vi phạm trong lĩnh vực này là do bất cập trong quá trình thực thi, cơ quan quản lý dường như đang thiếu phương tiện và nhân lực để thanh tra, kiểm tra các đơn vị vi phạm. Bên cạnh đó, vấn đề cũng nằm trong ý thức và đạo đức của người kinh doanh khi chỉ đặt lợi ích lên hàng đầu.
“Hiện tại, theo quy định của Bộ luật hình sự, hoàn toàn có thể xử lý hình sự được các hành vi vi phạm về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, có rất ít vụ việc bị khởi tố, điều tra và xử lý hình sự do đó không tạo tính răn đe, không nâng cao được ý thức của người kinh doanh”, ông Hà nói.
Ông Hà cho rằng, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tích cực thực thi các biện pháp kiểm tra, thanh tra, nếu vụ việc nào có thể xử lý hình sự được thì cương quyết xử lý. Ngoài ra, cũng cần xem xét sửa quy định Điều 244 Bộ Luật hình sự theo hướng chỉ cần có dấu hiệu của hành vi phạm tội là thỏa mãn cấu thành tội phạm chứ không cần phải có hậu quả xảy ra để nghiêm trị những người kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng khẳng định, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực sự làm ăn chân chính biết để làm, thiết lập kênh phân phối nông sản an toàn; chỉ rõ địa chỉ an toàn để người dân được biết, mua sản phẩm an toàn và yên tâm khi các cơ quan nhà nước nói là an toàn. Đồng thời, phải phát hiện, xử lý gắt gao vi phạm, đấu tranh với các hành vi nghiêm trọng, đặc biệt là sử dụng chất cấm và thuốc độc hại đã cấm.
Phương Dung