Theo Chương trình phối hợp, hai bộ sẽ trao đổi, chia sẻ các quy định pháp luật về quản lý hóa chất dùng trong sản xuất công nghiệp, danh mục các hoá chất cấm sử dụng, hạn chế sử dụng thuộc các lĩnh vực hai Bộ quản lý, thông tin kịp thời việc lạm dụng hoá chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông-lâm-thủy sản để thường xuyên rà soát đưa các hoá chất có nguy cơ lạm dụng cao vào “Danh mục hóa chất kiểm soát đặc biệt”.
Đồng thời, hai bộ cũng phối hợp tuyên truyền, tập huấn cho cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất công nghiệp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về việc không lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông-lâm-thủy sản.
Hai bên cũng phối hợp triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý vi phạm về lạm dụng hoá chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông-lâm-thủy sản theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, hai bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt là xử lý có hiệu quả trước những vấn đề xảy ra.
“Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là cần có sự phối hợp chặt chẽ, dài lâu trên cơ sở xây dựng quy chế phối hợp và thực hiện có hiệu quả. Chương trình phối hợp này nhằm giải quyết vấn đề mà xã hội hết sức quan tâm đó là kiểm soát việc sử dụng các loại hóa chất công nghiệp trong sản xuất nông-lâm-thủy sản, vấn đề liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng: “Việc ký kết chương trình phối hợp này là bước tiến mới trong việc thực hiện sự năng động và tính trách nhiệm cao của hai bộ. Đây là hình thức hợp tác rất có hiệu quả, sẽ tiếp tục mở ra những khuôn khổ, chương trình hợp tác khác giữa các hai bộ cũng như với các bộ, ngành khác”.
Thực tế các yêu cầu của quản lý nhà nước về quản lý về các loại hóa chất cũng như các hóa chất công nghiệp trong hoạt động chế biến nông lâm thủy sản đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp, xã hội nhưng phải hướng tới việc bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta làm hết trách nhiệm của mình không chỉ căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của ngành mà còn phải khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, pháp lý mà xã hội đang đòi hỏi chúng ta phải cùng hành động, đáp ứng yêu cầu đặc thù từng giai đoạn cũng như yêu cầu chung – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
baochinhphu.vn