Hiện trạng an toàn thực phẩm dường như không được quản lý, đang trở thành vấn đề bức xúc và là mối nguy thường trực cho sức khỏe của mọi người.
Rau xanh là mặt hàng thuộc diện thanh tra của thanh tra chuyên ngành tại xã phường – Ảnh: N.Khánh |
Trong thông tin tại trang web của văn phòng quốc gia SPS Việt Nam, từ năm 2009 đến nay Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công thương đã ban hành hàng trăm văn bản liên quan đến vấn đề về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thế nhưng hiện trạng an toàn thực phẩm dường như không được quản lý, đang trở thành vấn đề bức xúc và là mối nguy thường trực cho sức khỏe của mọi người.
Trên thị trường, ngoài số lượng ít sản phẩm đạt chứng nhận của nước ngoài như sản phẩm đạt chứng nhận sinh thái, chứng nhận MSC…, rất khó tìm được thực phẩm đạt chuẩn mực an toàn.
Ngay cả những sản phẩm tự xưng “rau sạch”, sản phẩm “Viet GAP” cũng rất khó để kiểm chứng “sạch” và “GAP” theo chuẩn nào, cơ quan nào chứng nhận. Có thể nói người dân hoàn toàn “mù” thông tin về nguồn gốc sản phẩm, dù Bộ NN&PTNT đã có nhiều văn bản quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và nông sản thực phẩm.
Trong thực tế, việc ban hành các văn bản này chỉ với mục đích thuận lợi cho xuất khẩu nông thủy sản, không vì mục đích bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân trong nước.
Có rất nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm từ nghiên cứu khoa học, hội nhập đến quản lý và tổ chức sản xuất. Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ nêu một số thực trạng liên quan đến vấn đề này hiện nay.
Thứ nhất, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm chồng chéo cả về ban hành văn bản, tổ chức quản lý và kiểm tra giám sát.
Thứ hai, không đặt doanh nghiệp làm vai trò trung tâm, làm chủ thể của việc sản xuất thực phẩm an toàn mà nặng về kiểm tra giám sát.
Thứ ba, công tác quản lý thực phẩm và hóa chất phụ gia nhập khẩu đang tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt việc quản lý qua đường biên mậu. Dù tại các cửa khẩu biên giới có cơ quan thú y và bảo vệ thực vật nhưng thị trường vẫn tràn lan thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát. Việc mua và sử dụng thuốc thú y hoàn toàn tự phát, vai trò của bác sĩ thú y mờ nhạt.
Thứ tư, việc liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi nhằm phát huy sức mạnh của các thành viên tham gia tổ chức cộng đồng cũng như kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm vẫn chưa thực hiện được do nhiều nguyên nhân, trong đó thiếu sự quan tâm hỗ trợ của cấp chính quyền.
Để thực phẩm thật sự an toàn cho sức khỏe nhân dân, theo tôi, đã đến lúc phải tổ chức duy nhất cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm bao gồm cả các cơ quan liên quan như vệ sinh thú y, bảo vệ thực vật…
Đây là việc không mới, rất nhiều nước đã làm, trong đó có cả những nước láng giềng. Ngoài ra, cần tổ chức lại bộ máy theo hướng hợp nhất đầu mối quản lý, đặc biệt là việc tổ chức hệ thống thanh tra viên an toàn thực phẩm đến cấp cơ sở.
Chính phủ cũng cần tuyên bố thời hạn chính thức bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn HACCP và GAP đối với tất cả cơ sở chế biến, các hộ sản xuất nông sản, thực phẩm vì mục đích thương mại, các nhà hàng, bếp ăn tập thể. Bắt buộc nhà sản xuất thực hiện truy xuất nguồn gốc và công khai thông tin cho người tiêu dùng.
Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức cộng đồng theo chuỗi sản xuất sản phẩm. Áp dụng chính sách cứng rắn trong quản lý nhập khẩu thực phẩm, hóa chất, đặc biệt quản lý biên mậu với các nước láng giềng.
Kiểm soát chất lượng tại chợ bán buôn, chợ đầu mối, khâu đầu tiên của chuỗi thương mại thực phẩm, loại ra ngay từ khâu đầu thực phẩm không an toàn.
Chuyển phần lớn trung tâm, các phòng thí nghiệm đầu tư bằng vốn nhà nước sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, tiến tới cổ phần hóa, chỉ giữ lại một số ít để làm phòng thí nghiệm kiểm chứng…