Mặc dù đã bị buộc ngưng hoạt động nhưng DNTN Tuấn Thanh (Bà Rịa – Vũng Tàu) vẫn lén lút cho công nhân chế biến hải sản rồi xả toàn bộ nước thải ra sông gây ôi nhiễm môi trường và sức khỏe của người dân sống xung quanh.
Ngày 16/5, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã lập biên bản niêm phong toàn bộ kho lạnh chứa khoảng 70 tấn chả cá surimi (thịt cá xay nhuyễn để làm giò cá, chả cá, các sản phẩm từ cá – PV) của DNTN Tuấn Thanh tại xã Tân Hải, H.Tân Thành chờ kết quả kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Quảng Thị Kim Thanh, vợ của chủ DNTN Tuấn Thanh, cho biết kho lạnh đang cho một người Trung Quốc là ông Lu Hai Yuan thuê để chứa số chả cá surimi trên.
Đoàn đã yêu cầu ông Lu Hai Yuan cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý, hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong kho cho đoàn trước ngày 19.5.
Bà Thanh cho biết thêm số cá tạp có trong nhà máy là do bà mua của các chủ ghe cá nhưng bà không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Ngay trong ngày 16.5, đoàn kiểm tra liên ngành buộc DNTN Tuấn Thanh vận chuyển toàn bộ 11 tấn cá chưa chế biến đi nơi khác sản xuất và 30 tấn bột cá thành phẩm ra khỏi nhà máy trước 17 giờ cùng ngày.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu điện lực cắt toàn bộ điện bên khâu sản xuất và đơn vị cấp nước H.Tân Thành cúp nước buộc đơn vị ngưng hoạt động, để chờ hướng xử lý tiếp theo.
Trước đó, lúc 17 giờ ngày 15.5, lực lượng chức năng của H.Tân Thành phát hiện cơ sở chế biến hải sản của DNTN Tuấn Thanh đang lén lút hoạt động.
Vào thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhà máy đang vận hành hoạt động chế biến bột cá với 40 công nhân đang làm việc.
Tại khu vực tập kết nguyên liệu và khu vực lò sấy, có khoảng 20 tấn nguyên liệu là đầu cá, 40 tấn thành phẩm bột cá, 1 xe container đậu ở trong nhà xưởng đang được công nhân bốc bột cá surimi lên xe.
Trong xưởng có 1 lò sấy đang hoạt động, lò hơi sử dụng nguyên liệu củi (có khoảng 20 m 3 củi). Còn ở xưởng sản xuất surimi có khoảng 40 tấn cá nguyên liệu (là cá tạp) được ướp đá lưu giữ.
Theo đoàn kiểm tra liên ngành thì hệ thống xử lý nước thải của nhà máy đã ngưng hoạt động từ năm 2015. Chính vì vậy, toàn bộ nước thải, nước rỉ cá trong quá trình sản xuất phát sinh chảy tràn trên mặt sân và đổ trực tiếp ra sông Rạch Ván rồi ra sông Chà Và, nơi cá lồng bè do người dân nuôi, chết hàng loạt trong thời gian qua.
Xuân Hạ (baomoi.com)