Nhiều lò “luyện” mứt bằng đồ thối được xử lý bằng hóa chất ở Tiền Giang và Đồng Tháp, Bến Tre đang vào những ngày hoạt động rầm rộ. Đáng nói là những tụ điểm sản xuất này đang mập mờ hoạt động kiểu di động, sau đó thì tuồn thẳng vào TP.HCM “khoác” cho chúng màu mè để che mắt người tiêu dùng.
Sản xuất di động rồi tuồn vào Sài Thành
Cách chợ Gò Công (Tiền Giang) khoảng trên 500m, tiểu thương bày bánh kẹo, mứt thành từng tụ từ rạng sáng, bán ký nên người mua khó biết được nhãn hiệu, xuất xứ. Một số ít loại mứt chỉ dán kèm miếng giấy ghi chung chung dòng chữ “me khúc cay đặc biệt thơm ngon”, “mãng cầu sấy đặc biệt, mứt dừa Bến Tre thơm ngon”… Những mặt hàng này đều được sản xuất từ một lò sản xuất không tên nằm trên địa bàn Gò Công.
Nhiều tiểu thương cho biết lò sản xuất này vừa mọc lên, cũng không ai rõ chủ nhân từ đâu, họ về đây thuê nhà để làm địa điểm sản xuất. Sau đó hàng được đóng gói và bán cho các thương lái trong khu vực một phần nhỏ còn chủ yếu là đưa về TP. Hồ Chí Minh.
Theo cái chỉ tay của những tiểu thương nhỏ ở đây, chúng tôi tìm đến lò sản xuất mứt di động này, vừa thấy chúng tôi chụp hình, một người đàn ông mình trần, mặt bặm trợn, đang dùng tay trần quậy các chậu mảng cầu, me ngâm, dừa ngâm quát to: “Chụp cái gì?”, rồi đóng sầm cửa sắt lại. Chứng kiến cảnh đóng gói mứt thành phẩm, chúng tôi càng rùng mình. Các nhân viên hai chân bẩn gác luôn lên chậu mứt, dùng tay không hốt từng nhúm mứt đã sên đường cho vào miếng ni lông gói lại.
Lò sản xuất này chỉ cách chợ Gò Công chưa đầy 1km. Qua khe cửa chúng tôi thấy mâm mảng cầu, mâm đựng dừa nằm chỏng chơ ruồi nhặng bu đầy, bốn người phụ nữ và một thanh niên gói mứt mảng cầu xong vứt luôn xuống rổ ngay dưới ghế ngồi.
Thấy có người nhìn qua khe cửa, người thanh niên tay chân bị trầy xước, lở loét vẫn thản nhiên bốc mứt, cười tỉnh queo cho biết vừa bị té. Những người hàng xóm sống bên cạnh lò mứt di động này cho biết họ hoạt động kiểu chộp giật, có khi chỉ hoạt động trong một vài tháng áp Tết sau đó lại chuyển sang làm việc khác hay đi đâu không ai biết. Hàng họ đã có sự ký kết trước, sau khi đóng gói thì được chuyên chở lên TP. Hồ Chí Minh hết đoàn xe này đến đoàn xe khác.
Ở trung tâm của huyện Mỏ Cày, Bến Tre cũng có một tụ điểm chuyên sản xuất mứt dừa có hàng chục công nhân liên tục làm việc. Tất cả mứt dừa sau khi được sơ chế phơi lỏng chỏng trên nền đất, ruồi nhặng bu đầy. Xung quanh là khung cảnh mất vệ sinh. Tại đây, công đoạn cắt nạo dừa đều diễn ra ngay trên vỉa hè. Sau khi gọt vỏ, các công nhân nam dùng máy dập hoen gỉ, cáu bẩn để cắt dừa thành những miếng nhỏ.
Đi sâu vào bên trong lò mứt này, hàng chục thùng nhựa ngâm mứt bí nổi bọt trắng, bốc mùi thum thủm. Dưới sàn nước lênh láng, các nhân công đều đi chân đất, một số để mình trần. Ngay tại lò nấu dừa, hơi nóng tỏa ra ngùn ngụt, người thanh niên đứng đảo dừa mồ hôi nhỏ xuống chảo. Phía trước cửa lò, nhiều chiếc thùng nhựa bám đầy bụi bẩn được dùng để ngâm các loại mứt. Mỗi mẻ mứt sau khi vớt ra mẹt được đặt trước quạt gió hong cho khô, sau đó được đem lên lầu đóng gói.
Một anh công nhân rỉ tai: “Ở đây, chỉ khách quen mới được vô. Tất cả đều được đề phòng một cách cẩn thận. Có khi hôm nay sản xuất, ngày mai đóng cửa nên không ai biết. Mứt ở các lò này chủ yếu xuất đi cho các đại lý bán ký hoặc đóng gói thủ công bằng tay chứ không cần máy móc đóng gói và tem chống hàng giả hay tem an toàn thực phẩm gì cả. Nguồn mứt chủ yếu ở đây vẫn là tuồn vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông”.
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Ông Trần Công Hinh, chủ lò mứt Ngọc Hinh ở Mỏ Cày, Bến Tre cho biết: “Chúng tôi là những lò sản xuất uy tín nhưng đôi khi vẫn bị mang tiếng bởi các lò sản xuất mứt bẩn. Các lò sản xuất uy tín như chúng tôi đều đóng gói bằng máy và có tem nhãn bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như cách hướng dẫn sử dụng và phân biệt thật giả. Các lò di động chỉ là số ít. Chính họ là những con sâu đã làm rầu cả nồi canh. Bắt thóp họ cũng không có gì là quá khó khăn, nhưng cần làm quyết liệt thì mới dẹp đươc để bảo đảm an toàn cho nqười tiêu dùng. Với các loại dừa hỏng, dừa thối, bí đã hỏng đáng lẽ phải bỏ đi nhưng họ vẫn sử dụng hóa chất để làm mứt như thường thì rất nguy hiểm”.
Thực chất các lò sản xuất mứt bẩn, mứt từ đồ phế phẩm ờ miền Tây sau khi sơ chế đều tuồn vào TP. Hồ Chí Minh để các đầu nậu tiếp tục biến hóa. Một trong những khu vực chuyên tiếp nhận các loại mứt bẩn từ miền Tây ở đường Thái Phiên (phường 9, quận 11) vào những ngày này cũng tấp nập. Tại đây, chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến các công đoạn sản xuất mứt mãng cầu và mứt me, mứt dừa. Cả đống mãng cầu, trong đó nhiều trái đã bị hư thối, dừa đã bốc mùi thum thủm, đen ngòm, được dội hóa chất cho vào máy chà để xử lý.
Quan sát, chúng tôi nhận thấy trong các thùng phuy ngâm cơm dừa, từng đám bọt màu trắng đục nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi rất khó chịu. Loại hóa chất ngâm mứt này rất đáng sợ, nếu vô ý để dính vào da sẽ gây lở loét ngay. Chính vì vậy những người làm mứt bao giờ cũng đeo bao tay dày và đi ủng, nhất là ờ công đoạn xả nước nguyên liệu, vốn phải dùng chân đạp kỹ lên cơm dừa để làm sạch. Nguyên liệu cơm dừa sau khi tẩy trắng sẽ được ngâm trong chất bảo quản để chuẩn bị hoàn tất và đi giao cho khách hàng.
Khi chúng tôi có mặt tại khu vực hẻm 290 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, quận 3 (khu cư xá Đường Sắt), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của mứt Tết thủ công, một thợ chuyên tẩm hóa chất cho mứt cho biết: “Mứt dừa ở đây chủ yếu được lấy dừa cơm sau khi đã sơ chế của các tụ điểm trôi nổi ở miền Tây. Dưới đó họ không làm kỹ được nên sau khi đưa lên đây sẽ được làm cho “thơm ngon” ngay thôi”.
Cẩn trọng với thật giả
Theo ông Trần Văn Hùng, GĐ công ty sản xuất Mứt và Bánh kẹo Hồng Hải (Đinh Tiên Hoàng, TP. Hồ Chí Minh) thì các lò thủ công và sản xuất mứt ở vỉa hè không thể có công nghệ dập viền và đóng gói như công ty được. Mà họ muốn nhập các loại mứt đó vào các công ty uy tín thì phải được cơ quan an toàn thực phẩm kiểm định nghiêm ngặt trước. Bởi vậy nên hàng của họ chủ yếu bán ở quán tạp hóa ngoài chợ, các vùng ven. Giá có mềm hơn nên người dân cứ thấy vậy là mua thôi chứ cũng không đủ khả năng để phân biệt được.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết việc mứt bẩn từ miền Tây vào TP. Hồ Chí Minh hay các lò mứt bẩn trên địa bàn tự mua về sản suất thì Chi cục đang ráo riết lên kế hoạch tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, tập trung chủ yếu là mứt, lạp xưởng, giò chả, thịt, bánh kẹo. Nếu vi phạm sẽ xử lí ngay. Chi cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các loại mứt được đóng gói từ công nghệ của các công ty, có dán tem nhãn đàng hoàng.
Theo những thợ chuyên sản xuất mứt lâu năm thì nếu phân biệt bằng mắt thường không nên lựa chọn loại mứt có màu sắc quá màu mè. Đơn cử như mứt dừa nếu được làm trắng bạch thì rõ ràng đã có dấu hiệu của việc xử lí bằng hóa chất rồi.
Không chỉ có mứt, mà các loại lạp xưởng cũng được biến hóa. Theo tiết lộ của giới trong nghề, để biến các loại thịt và mỡ thối thành lạp xưởng thơm lừng, bắt mắt, các “lò luyện” thường sử dụng hóa chất Porax tạo giòn, dai (một loại hóa chất khi vào cơ thể người gây dị dạng tế bào) và chất tẩy trắng. Chính vì thế nên cũng cần cẩn trọng với loại lạp xưởng quá hoàn hảo này.
Theo Bizlive.vn