Theo như Báo GĐ&XH đưa tin, về vụ việc bánh trung thu mà một độc giả tên T.H (trú tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh, chị phát hiện ra số bánh Trung thu từ năm ngoái đến nay trông vẫn tươi nguyên như hàng mới ra lò.
Những chiếc bánh này năm trước gia đình chị được biếu, ăn không hết và cất rồi quên trong tủ gỗ. Điểm chung của số bánh này là nhìn màu vàng rộm như mới, không có dấu hiệu mốc, bề mặt vẫn còn lớp mỡ bóng loáng. Số bánh này được ghi sản xuất vào ngày 10/9/2015, hạn sử dụng ngày 24/10/2015 và 5/10/2015.
Số bánh vô tình bị chị H. bỏ quên này có kích thước khác nhau. Một loại bé (80g) ghi nhãn là nhân “Mè đen” và một loại bánh lớn hơn có trọng lượng là 180g ghi nhãn là bánh “Gà quay”.
Thông tin trên bao bì cho thấy chúng được sản xuất từ hai đơn vị khác nhau. Chiếc bánh 80g được sản xuất bởi Công ty Cổ phần thực phẩm G&G Việt Nam (Cty G&G VN).
Thành phần của chiếc bánh này ghi trên nhãn gồm: Bột mỳ, bột nếp, dầu thực vật, đường kính trắng, trứng muối, hạt dưa, vừng rang, mứt bí, mỡ phần, lạp sườn, jăm bong, xá xíu, lá chanh, hạt sen, đậu xanh, khoai môn, sầu riêng, đậu đỏ, cốm, socola, đậu ngự Đà Lạt, sữa dừa, vani… Chất bảo quản được Cty G&G VN công bố trên bao bì gồm: Natribenzoat và Kalisorbat.
Chiếc bánh lớn hơn được sản xuất tại 545 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM. Đây là địa chỉ của khách sạn Equatorial TP HCM. Thành phần của chiếc bánh này cũng gần tương tự với chiếc bánh bé nêu trên.
Chị T.H cho rằng, với bề ngoài như vậy, nếu không nhìn vào hạn sử dụng thì không ai có thể phân biệt nổi đây là bánh cũ.
Để làm rõ hơn về sản phẩm trên mà khách hàng gặp phải, PV Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với Giám đốc Công ty CP thực phẩm G&G Việt Nam, ông Nguyễn Văn Linh cho biết, sản phẩm của ông có sử dụng chất bảo quản có tên Natribenzoat và Kalisorbat đã được Bộ y tế cho phép sử dụng để bảo quản.
Khi PV có hỏi về liều lượng mà Công ty sử dụng cho khối lượng bánh thì ông không trả lời được rõ ràng, ông Linh chỉ cho biết, bên mình ko sử dụng nhiều chất bảo quản, chỉ quét vào mặt bánh với hàm lượng nhỏ trong lượng bánh. Bánh để 45 ngày, nên ít dùng chất bảo quản bởi vì có chất bảo quản, bánh trung thu ăn sẽ không ngon. Trong quá trình sản xuất, phía Công ty kiểm soát rất kỹ về khâu sản xuất và bảo quản. Mỗi năm, Công ty đưa ra thị trường số lượng bánh trung thu không nhiều, chỉ trên 300 chiếc.
Trả lời PV về chất bảo quản này, PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm – ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, chất phụ gia Natribenzoat và Kalisorbat đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng nhằm chống nấm, chống hiện tượng hư hỏng bánh trung thu nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe. Bộ Y tế công bố cho sử dụng với tỉ lệ không vượt quá 0,1% trọng lượng của bánh. Nếu cơ sở nào sử dụng chất này vượt quá 0,1/100, cơ quan chức năng sẽ bị phạt đồng thời thu hồi sản phẩm để thiêu hủy.
Theo vietq.vn