Trong chế biến món thịt lợn luộc ngày nay, người tiêu dùng thường có thêm bước luộc sơ rửa sạch bọt bẩn. Bọt bẩn này sinh ra từ đâu và vì sao hiện tượng này ngày nay mới có?
Là người nội trợ, chị Minh (43 tuổi, Hà Nội) thường phải chăm chút từng bữa ăn cho cả gia đình. Theo lời chị Minh kể, việc chế biến món ăn ngày nay cũng khác ngày xưa khi từng công đoạn chế biến phải thay đổi cho phù hợp với tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm. Lấy ví dụ đơn giản nhất là món thịt lợn luộc, chị Minh cho biết, vài năm nay chị đã tuân thủ theo khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe về cách mua và chế biến để đảm bảo vệ sinh, an toàn mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng.
Theo đó, chị chỉ chọn lựa miếng thịt có màu đỏ tươi, có độ đàn hồi cao… Hơn hết, khi chế biến, chị luôn ghi nhớ công đoạn rửa bằng muối và đặc biệt, phải luộc sơ miếng thịt rồi rửa sạch bọt. Đối với chị Minh, công đoạn luộc sơ này vô cùng quan trọng bởi nó giúp lấy đi phần lớn chất bẩn còn tồn tại trên miếng thịt. Thậm chí, theo nhiều bà nội trợ, việc luộc sơ thịt lợn còn giúp loai bớt các chất phụ gia tăng trọng trong khi nuôi lợn người nuôi thường cho chúng ăn.
Mới đây, chia sẻ trên hội nhóm các bà mẹ thích nấu ăn, chị Thùy Linh (Hà Nội) đã chia sẻ quá trình luộc thịt của gia đình với những tảng bọt nâu bẩn đặc quánh trùm kín miếng thịt lợn nạc vai và tràn gần hết miệng nồi khiến nhiều người ghê sợ.
Tuy những ai làm nội trợ đều đã biết hiện tượng nổi bọt như vậy nhưng dường như hình ảnh này rất đặc biệt và chưa ai thấy nó kinh khủng đến như vậy. Trong khi đó, chị Linh cho biết, trước khi chế biến, miếng thịt tại chợ sớm rất dẻo và màu rất tươi.
Trấn an chị Linh, rất nhiều thành viên cho rằng, thịt hay những thực phẩm chứa nhiều đạm thì chuyện nổi váng, sủi bọt khi đun sôi là rất bình thường vì đó là máu và mô nước khi gặp nhiệt độ sẽ kết tủa có kèm theo cả chất bẩn.Hoặc có ý kiến cho rằng, thực chất bọt này là sự đông tụ Protein, trong thịt lợn rất nhiều, đặc biệt là xương. Tuy nhiên về cơ bản, những miếng thịt như thế này cũng không mấy nguy hiểm.
Trao đổi với phóng viên về hiện tượng này, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó viện trưởng Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hiện tượng nổi bọt khi luộc thịt lợn có thể coi là do một phần chất bẩn cho trong thịt. Theo lý giải của bà Lâm, ngày xưa, khi lợn gà chưa được nuôi bằng thức ăn công nghiệp, khi ăn thịt thường có mùi thơm đặc trưng, khi chế biến, thịt cũng ít khi có hiện tượng nổi váng bọt. Thế nên, việc phải luộc sơ miếng thịt gần như chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, ngày nay, phần vì do môi trường ô nhiễm bụi bẩn, phần do người dân không còn nuôi lợn theo lối truyền thống mà bằng các thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt cũng giảm đi rõ rệt. Đặc biệt, khi chế biến làm thức ăn, miếng thịt thường tiết ra những chất bẩn mà người nội trợ cần xử lý bằng cách luộc sơ rồi rửa sạch nhiều lần.
“Để chất lượng bữa ăn đảm bảo trong khi chưa thể triệt để xử lý bằng cách biện pháp lâu dài, người tiêu dung cần chú ý tự bảo vệ chính mình bừng cách sơ chế sạch sẽ các loại thực phẩm tươi sống. Đối với thịt lợn, gà mua ngoài chợ, nên luộc sơ rửa bớt cặn bẩn để phần nào loại bớt những chất không cần thiết”, PGS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo.
Theo đó, chuyên gia về dinh dưỡng này cũng đưa ra công thức luộc thịt mà bà thường áp dụng trong gia đình:
– Rửa sạch thịt bằng nước và muối trắng
– Luộc sơ (ngày xưa lợn nuôi sạch thường bỏ qua khâu này). Trong nước luộc thịt nên cho một ít giấm và muối, đợi nước sôi mới thả thịt vào, để sôi khoảng 2 phút thì đổ hết nước, rửa lại miếng thịt một lần nữa.
– Nấu lại nồi nước sôi khác và bỏ miếng thịt vào luộc cho đến khi chín. Lần này nên cho chút gia vị để thịt được đậm, kĩ hơn có thể thả vào một của hành khô đã bóc vỏ, đập dập để nước và thịt được thơm hơn.
– Thử thịt bằng cách lấy đũa xâm vào thịt, thấy nước hồng hồng chảy ra là thịt đã chín tới. Gắp thịt ra và ngâm vào thau đựng nước đun sôi để nguôi. Thao tác này giúp thịt không bị chuyển màu khi gặp gió.
– Chỉ nên thái thịt khi đã nguội hẳn, miếng thịt sẽ mỏng đều và đẹp hơn
Theo Chất lượng Việt Nam