Thịt lợn siêu nạc chứa chất cấm đã ung dung lên bàn ăn và người tiêu dùng lãnh đủ do thiếu kiểm soát. Những thông tin về thịt lợn bẩn, về những trang trại nuôi lợn bằng các chất cấm khiến cho miếng ăn giờ đây đang cần báo động hơn bao giờ hết.
Vào đầu năm 2015, kết quả giám sát mối nguy an toàn thực phẩm trong thịt lợn do Viện Y tế công cộng TP. HCM thực hiện cũng phát hiện có 4/15 mẫu thịt sống bị nhiễm chất tăng trọng Salbutamol. Trong 4 mẫu thịt chứa chất cấm, có một mẫu lấy tại một siêu thị lớn ở quận 8, các mẫu còn lại được lấy tại cửa hàng và điểm bán lẻ ở quận 2, 8 và Bình Thạnh. Điều này cho thấy xác suất người tiêu dùng ra chợ mua phải thịt lợn bẩn, thịt chứa chất cấm không hề nhỏ, theo báo Người Lao Động.
Thông tin thịt lợn có chất cấm tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang bởi trong cơ cấu các loại thịt sử dụng trong bữa ăn người Việt thì thịt lợn chiếm hơn 70% (còn lại là thịt gia cầm và thịt bò). Chị Lê Thị Trinh (ngụ quận 12) cho biết nghe thông tin heo siêu nạc có chứa chất độc hại rất sợ nhưng không thể từ bỏ món ăn này. “Ra chợ thấy miếng thịt nào nạc dính da thì né, chỉ chọn loại có mỡ dày rồi về nhà lóc bỏ phần mỡ, chỉ ăn nạc vì sợ chất béo động vật không tốt cho sức khỏe, tính ra đắt hơn thịt nạc nhưng đỡ lo hơn” – chị Trinh chia sẻ kinh nghiệm.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo chuỗi an toàn thực phẩm TP. HCM, hiện nay TP HCM đã có 2 đơn vị tham gia và đạt chứng nhận với sản lượng 350 con/ngày (được kiểm soát từ trang trại đến giết mổ tiêu thụ). Tuy nhiên, số lượng thịt heo này khi ra thị trường chưa được đóng gói, dán nhãn, logo nên vẫn trong tình cảnh “áo gấm đi đêm”.
Theo Đại Đoàn Kết, cũng ở phía Nam còn có chuyện, khi kiểm tra một số lò mổ thấy các con lợn đều trong tình trạng mệt mỏi, ngủ li bì. Kiểm tra quanh đó, cán bộ thú y phát hiện những lọ thuốc an thần Prozil hoặc Combistress cùng ống tiêm. Theo chủ lò mổ cho biết, tiêm loại thuốc này không chỉ khiến cho đàn lợn nằm bất động, không kêu la, dễ dàng cho việc vận chuyển và giết mổ, mà còn khiến thịt lợn mềm, đẹp hơn. Vì thế họ trước khi mổ khoảng 2 tiếng họ tiến hành tiêm thuốc cho lợn, 1 lọ tiêm được 40 – 50 con.
Được biết, loại thuốc này không cho phép sử dụng trước khi giết mổ, nếu đã sử dụng phải có thời gian là 14 ngày thì thuốc đào thải hết. Nếu người tiêu dùng liên tục ăn thịt lợn có chứa thuốc an thần sẽ bị rối loạn tiêu hóa, mắc các bệnh về thận, thần kinh…, cảnh báo từ BS Trần Văn Ký – Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam. Chất an thần tích tụ lâu trong người sẽ gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật như ung thư xương, đãng trí, trầm uất, run tay chân… Trẻ em ăn phải thịt lợn tiêm thuốc an thần sẽ bị nhiễm độc dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đần độn, quấy khóc…
Bà Nguyễn Thị Mai (16 Trần Hưng Đạo – Hà Nội) thì không biết học đâu được cách khi mua thịt lợn về bà liền rửa thịt với nước muối, đun nước đầu rồi đổ đi, thấy bọt nổi lên là lập tức vớt bỏ. Nhưng cách làm này chỉ giải quyết được với món luộc, còn những món khác thì khó. Một bà nội trợ khác thì lựa chọn: dần dần bỏ bớt thịt cá, cứ cách một ngày lại ăn chay, dùng thực phẩm chức năng thay cho một bữa ăn trong ngày…
Tiểu Quyên (T/h)