Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong thời gian tới, người nuôi thủy sản nếu đạt các tiêu chuẩn VietGap (Thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam) cũng đồng nghĩa với việc được cấp giấy nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap).
Để có được sự công nhận này, đại diện của Tổng cục thủy sản đã có những buổi làm việc với đại diện của tổ chức GlobalGap. Qua đó, hai bên đồng ý trên nguyên tắc các chuyên gia đánh giá của những tổ chức chứng nhận được GlobalGap và Tổng cục Thủy sản công nhận/chỉ định sẽ thực hiện đánh giá cơ sở nuôi một lần, và nếu đạt thì cấp giấy chứng nhận của cả VietGap lẫn GlobalGap.
Hiện nay, ngoài VietGap, các quốc gia trong khu vực ASEAN có tiêu chuẩn ASEAN Gap và trên thế giới là GlobalGap. Và các tiêu chuẩn này đều hướng đến việc sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, môi trường, xã hội.
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, những tiêu chuẩn này không có sự liên hệ với nhau mà được công nhận độc lập, và điều này khiến doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường nào thì phải tuân theo những tiêu chuẩn riêng của thị trường đó. Do đó, mới có tình trạng, một doanh nghiệp một lúc có nhiều tiêu chuẩn khác nhau.
Ông Bùi Bá Bổng, khi còn làm Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, là người được giao chỉ đạo việc soạn thảo các tiêu chuẩn VietGap cho các sản phẩm nông nghiệp, và đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc khi xây dựng VietGap phải dựa trên tiêu chuẩn GlobalGap. Ông Bổng yêu cầu khi hiệu đính các tiêu chuẩn lại cho phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước thì phải giữ lại được từ 80-95% những tiêu chuẩn của GlobalGap. Trên nền tảng đó, Việt Nam đã đưa ra những bộ VietGap cho thủy sản, lúa, hoa màu, chè…
Đối với con cá tra, nhằm mục đích tạo ra một sản phẩm đồng nhất về tiêu chuẩn nên Việt Nam đã đưa ra VietGap cho cá tra và bắt buộc người nuôi cá tra phải áp dụng từ 1-1-2016.
Tuy nhiên, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đã phản hồi rằng, các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam thường yêu cầu các tiêu chuẩn như GlobalGap, ASC… chứ không chấp nhận tiêu chuẩn VietGap của Việt Nam. Do đó, việc áp dụng VietGap chỉ làm doanh nghiệp tốn thêm chi phí mà không giúp gì cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sản phẩm.
Cân nhắc tính hợp lý của những phản hồi này, Bộ NN&PTNT quyết định dời thời gian áp dụng VietGap cho cá tra kể từ 1-1-2017 tức là chậm lại một năm. Song song với đó, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã có những buổi làm việc với tổ chức chứng nhận GlobalGap để hợp thức hóa tiêu chuẩn VietGap. Kết quả, hai bên thừa nhận tiêu chuẩn lẫn nhau giữa VietGap và GlobalGap như nói ở trên.
Theo chebien.mard.gov.vn