Có lẽ những người bán hầu như ít lên Facebook và ít trả lời comment, nên tôi thử giả sử một chút vậy. Giả sử: Bạn là một người bán bánh mì ở chợ. Bạn 28 tuổi, vừa lấy chồng và đang mang thai đứa con đầu. Một ngày, bạn mở bán hàng ra và nghĩ đến 100.000 tiền mặt bằng mà hôm nay phải trả.
Trong khu chợ của bạn, có 3 – 4 xe bánh mì khác. Tất cả đều cạnh tranh nhau từng khách một, cố gắng thức sớm hơn, bán khuya hơn để vét lấy từng khách quen mà kiếm từng đồng tiền lời, lo mưu sinh. Những xe bán bánh mì cùng chợ đều lấy bánh mì chung một nguồn với bạn và đều lấy chà bông hóa chất cùng 1 chỗ giá rẻ không tưởng, như đa số mọi xe bánh mì khác cùng khu vực, hay thậm chí cùng thành phố toàn đất nước này.
Nếu là bạn, bạn sẽ chọn điều nào:
a. Nhập chà bông cùng nguồn hoặc mức giá tương đương hay thậm chí tìm nguồn nguyên liệu vừa ngon vừa rẻ hơn nữa để cạnh tranh.
b. Chọn chà bông nguyên liệu tốt, bán giá đắt hơn, bị mắng vốn là bán đắt hơn, lời ít hơn, mất khách để sống đúng với lương tâm của mình.
Khi chúng ta đang ngồi ở đây, không lo về cái ăn cái mặc, chẳng khó gì để chọn b. Nhưng khi chúng ta bán những nguồn nguyên liệu đầy hóa chất hàng ngày khi chúng ta vẫn khó khăn vất vả, nhà cao cửa rộng là giấc mơ xa vời, còn người mua chúng ta vẫn sống sung sướng giàu sang nhưng ngày ngày vẫn đòi hỏi những gì rẻ nhất, ngon nhất, hời nhất thì là câu chuyện hoàn toàn khác.
Câu chuyện thực phẩm bẩn, kỳ thực có thể quy về một nguyên lý rất đơn giản: Chắc mình được chừa ra, chắc mình thì không sao.
Thực phẩm bẩn tồn tại vì cả người bán và người mua – gấp 10 đến 100 lần người bán đều mang tâm lý này.
Tâm lý “Chắc không sao đâu” này rất quen thuộc khi chúng ta còn đi học. Nếu chúng ta học trong một môi trường nghiêm túc, tất cả đều nỗ lực học hành và chuyện quay cóp, gian lận là một điều ghê tởm bị khinh bỉ, bị đuổi học thì nó sẽ là một điều ghê gớm ai cũng tránh xa. Nhưng khi chúng ta ở trong một lớp học mà ai cũng quay cóp, mọi chuyện diễn ra mà không có hậu quả gì thì dần dần bản thân cũng thấy quay cóp là một điều bình thường, dễ chấp nhận, và một lúc nào đấy chúng ta thấy những nỗ lực của mình là phí phạm và không cần thiết.
Tương tự như vậy, hãy quay lại trường hợp chúng ta là một cô bán bánh mì 27 tuổi. Với kiến thức ít ỏi, chuyện thực phẩm bẩn gây ung thư là một cái gì đó mơ hồ, xa xôi không có chứng cứ. Nó chỉ là một viên đá nhỏ gợn trên mặt hồ, rồi sau đấy chúng ta lại tiếp tục guồng quay công việc của mình. Không khó để tự trấn an rằng; những người ăn thức ăn chúng ta bán hằng ngày vẫn đầy khỏe mạnh; liên tục quay lại và khen đồ ăn của chúng ta vừa ngon vừa rẻ. Mà nhỡ như họ có bị ung thư, thì chắc gì là do chà bông mình bán, nhỡ đâu do cá tẩm ure hàng kế bên, hay rau phun tăng trọng phía đối diện? Hay do người bệnh ấy xui vì 1000 người đến mua hàng mình, có phải ai cũng bị ung thư đâu?
Nói dài như vậy, ngắn gọn thẳng thắn lại thế này: Chẳng có bất kỳ ai trên cõi đời này đặt sức khỏe của chúng ta có đủ khả năng lên trên lợi ích của bản thân họ và người thân họ, từ người bán đến Bộ trưởng bộ Y tế và các Cục ngành.
Người bán tốt đến đâu cũng phải lo toan cuộc sống nghèo khó của họ trước, đáp ứng cái cuộc chạy đua ngon và rẻ đầy khốc liệt trước. Chuyện ung thư là chuyện họ nhất định sẽ chặc lưỡi “chắc không phải do mình” và là chuyện của 10 – 20 năm sau.
Bộ trưởng bộ Y tế giỏi giang đến đâu thì cũng phải xoay xở cả một nghìn vấn đề và 1000 Bộ trưởng bộ Y tế thần thông quảng đại cũng không đủ để đi từng hang cùng ngõ hẻm kiểm tra những gánh hàng tự phát không đăng ký, giật đồ ăn ra khỏi đũa của hàng triệu triệu người vẫn hào hứng đi ăn đồ ăn ngon rẻ ngoài đường.
Và cũng đừng vội trách người bán hay Bộ trưởng bộ Y tế, khi mà cả một nền thực phẩm bẩn được nuôi sống bành trướng bằng chính số lượng đông đảo người mua chúng ta bao nhiêu năm qua.
Đã bao giờ chúng ta mua đồ ăn, trái cây giá rẻ mà tự hỏi tại sao nó rẻ đến thế? Đã bao giờ chúng ta suy nghĩ về giấy kiểm dịch, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm về từng thứ đồ ăn mình bỏ vào mồm?
Chúng ta có bao giờ nghi ngại trước những hàng ăn vặt đông nườm nượp, hay không cưỡng nổi trước độ rẻ và ngon và cũng lại áp dụng tâm lý “Chắc không sao” của những người bán; nghĩ rằng đông người ăn như vậy thì chắc sẽ không sao, mình cũng không bị gì?
Chính chúng ta đã không ngừng nuôi sống và thúc đẩy thực phẩm bẩn, khi cứ hào hứng ăn những chỗ nào ngon miệng nhất, giá rẻ nhất mà không quan tâm đến vệ sinh nguồn hàng và thúc ép ai cũng phải vào guồng nhập thực phẩm bẩn giá rẻ để giữ chân người ăn.
Quá dễ dàng, để buông câu oán trách những người bán, hay những tổ chức cơ quan chính quyền.
Nhưng chúng ta có nhiều lựa chọn, hơn là chỉ ngồi một chỗ mà chờ những người bán hàng có lương tâm hơn hay có một hệ thống, một biện pháp phép màu nào đó cứu sống chính mình.
Cả tấn nội tạng động vật thối trên xe khách được phát hiện vào ngày 25/2 vừa qua. Những thứ nguyên liệu khủng khiếp này, sẽ được đưa vào rất nhiều những hàng quán mà chúng ta luôn nhào đến với tiêu chí Ngon – bổ – rẻ. – Ảnh: Tuổi Trẻ.
Chúng ta có thể thay vì comment, thay vì chửi đổng trên Facebook thì hãy thực sự nghiêm túc tạo ra tiếng nói cho các cơ quan, chính quyền phải triệt để hơn với thực phẩm bẩn.
Chúng ta có thể ủng hộ cho những thực phẩm đàng hoàng, rõ ràng nguồn gốc.
Có thể hợp tác cùng chính quyền tìm bằng chứng những thức ăn không sạch.
Có thể ngừng đòi rẻ, rẻ hơn, rẻ mãi và thận trọng với mọi đồ ăn mình ăn uống hằng ngày.
Chúng ta có rất rất nhiều lựa chọn, để bảo vệ chính mình mà không cần phó mặc cho vận may; dù có vẻ như rất thông thường chúng ta hay tự tước bỏ quyền lựa chọn của chính mình rồi đổ lỗi cho cả thế giới.
Đừng đòi hỏi sự thay đổi gì lớn lao từ ai khác, khi mà điều đó có thể bắt đầu từ chính mỗi người.
Mỗi hành động nhỏ của bạn sẽ góp thêm tiếng nói vào cuộc chiến chống thực phẩm bẩn của cả xã hội!
Theo Trần Thăng Long / Trí Thức Trẻ