Thuốc cảm cúm
Mới đây, một bệnh nhân tên Hoàng Lư (Nghệ An) cho biết trên báo Sức khỏe & Đời sống: “Tôi bị tăng huyết áp và đang phải dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Vừa rồi tôi bị cảm có dùng mấy viên cảm cúm. Khi uống thuốc này vào tôi thấy có triệu chứng đau đầu, hoa mắt… đo huyết áp thấy tăng cao, mặc dù tôi vẫn uống thuốc huyết áp đều đặn”.
Theo dược sĩ Hoàng Thu Thủy, người bệnh tăng huyết áp cần phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí là suốt cả cuộc đời để giữ huyết áp được ổn định, tránh các tai biến do tăng huyết áp gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc này người bệnh cũng không tránh khỏi mắc một số chứng bệnh khác và cần phải dùng thuốc, nhưng việc dùng thuốc này lại làm ảnh hưởng đến bệnh và thuốc điều trị tăng huyết áp… Vì vậy, khi đi khám bệnh, người bệnh cần nói rõ tình trạng tăng huyết áp và đang uống thuốc trị huyết áp của mình cho bác sĩ biết để bác sĩ có sự cân nhắc trong kê đơn thuốc.
Người bị tăng huyết áp hay huyết áp cao không nên sử dụng các loại thuốc như cảm cúm, thuốc trị đau đầu…Ảnh minh họa
Thuốc trị ngạt mũi
Bao gồm các thuốc xịt, nhỏ mũi tại chỗ như naphazolin, oxymetazolin hay toàn thân (dùng đường uống) như pseudoephedrine, phenylephrine… Các thuốc này đang được bán rộng rãi trên thị trường và được người bệnh tự ý mua dùng, nhưng đối với người bệnh tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng phải rất thận trọng, vì tác động trên tim mạch của các thuốc này bao gồm tăng huyết áp, nhịp tim nhanh và đánh trống ngực… làm trầm trọng thêm bệnh.
Đối với phenylephrine, ngoài tác dụng gây tăng huyết áp thì lại gây nhịp tim chậm do phản xạ, làm giảm thể tích máu trong tuần hoàn, giảm lưu lượng máu qua thận, cũng như giảm máu vào nhiều mô và cơ quan của cơ thể. Vì vậy, không dùng cho người bệnh tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp nặng…
Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs)
Thuốc chống viêm không steroid bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không cần kê toa. Để giảm đau hoặc giảm viêm do các bệnh lý như viêm khớp, bác sĩ thường kê toa các loại thuốc chống viêm không steroid cho bệnh nhân. Thuốc này khiến huyết áp tăng cao hơn bởi vì chúng khiến cơ thể tích tụ lại các chất lỏng và giảm chức năng thận. Do đó, tim và thận phải chịu một áp lực lớn hơn. Một số thuốc chống viêm không steroid có thể kể đến là aspirin, ibuprofen và naproxen.
Thuốc ho và thuốc trị cảm lạnh
Thuốc ho và thuốc trị cảm lạnh cũng thường chứa chất thông mũi. Thuốc thông mũi (bao gồm pseudoephedrine, thuốc giảm đau đặc hiệu) làm huyết áp và nhịp tim tăng. Bạn phải tránh sử dụng những loại thuốc này. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ gợi ý về các loại thuốc khác để điều trị các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm hoặc xoang, chẳng hạn như thuốc kháng histamine hoặc thuốc xịt mũi.
Thuốc trị đau đầu
Cơ chế của một số loại thuốc trị đau đầu, nhức đầu là làm thắt chặt các mạch máu trong đầu, giúp làm giảm cơn đau nửa đầu. Tuy nhiên, điều này có thể khiến huyết áp tăng lên, thậm chí ở mức nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong.
Thuốc ức chế sự thèm ăn
Chúng thường có xu hướng làm tăng nhịp tim và huyết áp. Một số loại thuốc giảm cân có thể làm bệnh tim trở nên tồi tệ hơn. Bạn phải tránh dùng các loại thuốc này với các thuốc điều trị cao huyết áp.
Để an toàn, người bệnh tim mạch, tăng huyết áp khi dùng thuốc điều trị các bệnh thông thường, đặc biệt là các thuốc không kê đơn cần kiểm tra nhãn thuốc, đọc kỹ các thành phần có trong thuốc và các cảnh báo, thận trọng khi dùng trong hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh dùng những sản phẩm gây bất lợi cho bệnh của mình.
Khi sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp, bạn cần chú ý đến nguy cơ xảy ra tương tác thuốc và tránh những loại thuốc làm gia tăng huyết áp.
An Dương (T/h)