Ung thư là căn bệnh nguy hiểm, dễ mắc phải không loại trừ ai, mà đến nay chưa tìm ra thuốc chữa. Trong khi đó, nguy cơ ung thư đến từ nguồn thực phẩm hàng ngày cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể lại rất lớn. Do vậy, các biện pháp phòng tránh căn bệnh ung thư luôn được rất nhiều người quan tâm.
Nói đến thực phẩm độc hại, hầu hết mọi người thường nghĩ ngay đến chất cấm, chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, kim loại nặng hay vi sinh vật trong thực phẩm, nhưng ít ai biết rằng, có hoạt chất còn nguy hiểm hơn rất nhiều, là một trong những nguyên nhân gây ung thư song lại rất khó xử lý loại bỏ là Nitrat.
Theo thông tin từ báo Vietnamnet cung cấp, từ năm 1997, các tổ chức về an toàn thực phẩm đã đưa ra những quy định về dư lượng nitrat có trong thực phẩm. Nếu ở hàm lượng nhỏ trong rễ, lá của rau củ quả thì thực phẩm này không gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người dùng.
Tuy nhiên, lượng nitrat được sử dụng trong nhiều mẫu thực phẩm hiện nay lại đang ở mức khá cao do lạm dụng phân bón để kích thích sự phát triển, tăng năng suất của cây trồng, khiến tỉ lệ nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa và ung thư tuyến tụy tăng gấp khoảng 3 lần so với thời điểm 20 năm trước.
Trong khi đó, tại Anh, mỗi năm có khoảng 3.000 người mắc bệnh ung thư thực quản do sử dụng thức ăn nhiều nitrat còn ở một số nước khác như Mỹ, Đức thì số lượng người mắc ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày ngày càng có xu hướng trẻ hóa do lạm dụng nguồn rau củ quả chứa nitrat này.
Nitrat (NO-3) là dạng chất đạm thường có trong các loại cây trồng như rau, củ, quả. Theo báo Pháp luật Việt Nam, nếu chúng ta biết cách sử dụng lượng nitrat hợp lý (ít hoặc vừa đủ), nó sẽ giúp cho cây rau có màu xanh, củ, quả đẹp mắt đồng thời không gây hại cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng, sự có mặt của nitrat trong nông sản sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đặc biệt, dư lượng nitrat trong mô thực vật vượt quá ngưỡng an toàn được xem như một độc chất gây hại sức khỏe con người.
Cảnh báo về sự nguy hiểm này, GS.TS Trần Khắc Thi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết trên báo Pháp luật Việt Nam, Nitrat vào cơ thể ở mức độ bình thường thì không gây độc, nhưng nếu hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép thì rất nguy hiểm. Bởi Nitrat là gốc của phân đạm, nếu bón quá liều, hoặc chỉ bón phân đạm, không bón cân đối với phân chuồng, lân, kali, không đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch chúng sẽ tích lũy nhiều trong lá rau. Khi vào cơ thể với hàm lượng cao, Nitrat sẽ phản ứng với các axit amin thành chất gây ung thư gọi là nitrosamine.
Cũng theo khuyến cáo trên sổ khám chữa bệnh của bệnh viện K: “Có những chất hóa học như Nitrit và Nitrat được dùng để bảo quản rất nhiều sản phẩm thịt giữ cho chúng được tươi như: Giấm bỏng, thịt lợn muối, xúc xích, thịt tẩm hành-hạt tiêu, thịt hộp và lạp xường. Không nên ăn quá nhiều các sản phẩm thịt đã được chế biến đó. Nitrat và Nitric có thể tạo ra trong ống tiêu hóa của bạn các chất gây ung thư…”.
Các bệnh ung thư con người có nguy cơ mắc phải khi dung nạp nguồn thực phẩm chứa Nitrat là bệnh ung thư thực quản, ung thư tuyến tụy, ung thư dạ dày,… Các nhà khoa học đã thực hiện các thử nghiệm và chứng minh được mối liên hệ giữa tỉ lệ chẩn đoán bệnh ung thư tụy và rau quả chứa nhiều nitrat – đây cũng là lời khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng trong phòng chống bệnh ung thư.
Minh Hà (T/h)