Home / Kiến Thức / Kiến thức ATTP cho người tiêu dùng / Hà Nội phát hiện hàng loạt mẫu thực phẩm được công nhận là ‘sạch’ nhưng cực ‘bẩn’

Hà Nội phát hiện hàng loạt mẫu thực phẩm được công nhận là ‘sạch’ nhưng cực ‘bẩn’

Có tới 4,5% mẫu thực phẩm vi phạm 

Thông tin trên báo ANTĐ, theo báo cáo tại hội nghị đánh giá kết quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho thành phố Hà Nội và hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp năm 2017 vừa được UBND TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây cho thấy, Hà Nội đã xây dựng và duy trì được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Các tỉnh, thành phố trong Ban điều phối cung cấp chuỗi rau, thịt cho Hà Nội đã xây dựng 377 chuỗi tiêu thụ nông sản chủ lực bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, cơ quan này đã lấy 2.587 mẫu nông lâm thủy sản của các tỉnh cung cấp cho Hà Nội, phát hiện 115 mẫu vi phạm, chiếm 4,5%. “Đối với các mẫu vượt ngưỡng an toàn có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố Hà Nội đã thông báo kịp thời cho các tỉnh để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại cơ sở có mẫu vi phạm có hướng khắc phục quản lý chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng” – đại diện sở NN&PTNT Hà Nội cho hay.

 Thực phẩm được cho là sạch chưa chắc đã an toàn nếu không biết cách bảo quản. Ảnh: ANTĐ

 Thực phẩm được cho là sạch chưa chắc đã an toàn nếu không biết cách bảo quản. Ảnh: ANTĐ

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, việc phát hiện 4,5% mẫu chưa đạt yêu cầu cho thấy không được chủ quan trong kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Việc lấy mẫu rất quan trọng. Đáng chú ý, kết quả hình thành chuỗi liên kết an toàn thực phẩm đạt được trên đây mới chỉ là bước đầu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

“Chuỗi mới làm được ít, chuỗi xác nhận còn ít hơn nữa. Bên cạnh đó, số lượng rau, thịt hiện nay không thuộc các chuỗi về Thủ đô chủ yếu là từ chợ đầu mối, chợ truyền thống chưa được giám sát tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu và việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm mới chỉ tập trung với mặt hàng rau, chưa chú trọng tới mặt hàng thịt”.

Liên quan tới thực phẩm bẩn, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, một điều tra xã hội học do Bộ Y tế phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện cho thấy, gần 85% người tiêu dùng phát hiện hành vi vi phạm ATTP nhưng không tố giác.
Vì thế, để đạt được mong muốn giảm đến mức thấp nhất nguy cơ rủi ro sử dụng sản phẩm không an toàn cần phải có sự cộng đồng của cả cơ quan quản lý, nhà sản xuất và người tiêu dùng.

 ‘Thực phẩm sạch’ chưa chắc đã an toàn?

Trả lời báo chí về việc, nhiều người dân vẫn hoài nghi, cho rằng ăn rau, thực phẩm siêu thị chắc gì đã an toàn, chỉ là để cảm thấy yên tâm hơn, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo, nhưng trong thực tế, có những cửa hàng, cơ sở khi được cấp chứng nhận này lại kinh doanh không nghiêm túc. Như có cơ sở được cấp chứng nhận rau an toàn nhưng trà trộn rau không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi phát hiện, cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm bởi nó làm mất lòng tin rất lớn đối với người tiêu dùng.

Ông Phong cũng nhấn mạnh, những rủi ro do sử dụng sản phẩm thực phẩm là khó tránh. Như ngay tại các nước phát triển, các sản phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép lưu hành nhưng trong quá trình sản xuất, lưu thông, bảo quản, thậm chí kể cả quá trình lưu trữ ở gia đình trước khi sử dụng không bảo quản tốt có nguy cơ không an toàn cho người sử dụng.

Nghị định xử phạt mới rất có tính răn đe bởi nếu mức phạt không tương xứng hành vi sẽ cho phép phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Ví dụ, được cấp 1 tạ hàng hóa chứng nhận an toàn nhưng lại lợi dụng làm đến 1 tấn, thì 9 tạ hàng hóa vi phạm có thể bị phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Mức phạt rất cao và mang tính răn đe, vấn đề là cơ quan chức năng phải thực hiện nghiêm túc. Được biết, Thanh tra Bộ Y tế đã từng phạt những đơn vị hàng tỷ đồng.

Do đó theo ông Phong, người tiêu dùng dứt khoát không mua sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phải có trách nhiệm quan trọng, đó là sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Trách nhiệm thứ 3 là tố giác, đấu tranh với hành vi vi phạm.

An Dương (T/h)

Tin mới

Vụ ‘phế phẩm cà phê trộn pin’: Chủ cơ sở quanh co chưa khai nhận

Các đối tượng quanh co chưa chịu khai nhậnTại buổi họp báo, Đại tá Lê …

Hotline: 0909 89 87 83