Home / Kiến Thức / Kiến thức ATTP cho nhà sản xuất / Thuốc đông y xông lưu huỳnh, nhuộm màu gây ung thư và đe dọa tính mạng người sử dụng

Thuốc đông y xông lưu huỳnh, nhuộm màu gây ung thư và đe dọa tính mạng người sử dụng

Lưu huỳnh có nguy hiểm không?

Việc sử dụng thuốc đông y để phòng và chữa bệnh ngày càng trở nên phổ biến hiện nay, bởi nhiều người cho rằng, khác với thuốc tây y, chữa bệnh bằng đông y sẽ an toàn vì sử dụng đông dược, các loại thuốc có tính tự nhiên. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo lắng trước thông tin về việc sử dụng hóa chất như lưu huỳnh để sấy thuốc hay sử dụng các chất nhuộm màu độc hại cho các vị thuốc.

Theo thông tin từ báo Sức khỏe & Đời sống thì trên thực tế, khi sơ chế một số vị thuốc sau thu hoạch, người ta đã tiến hành sấy lưu huỳnh để làm chín dược liệu và diệt các nấm mốc. Việc sấy lưu  huỳnh thường tiến hành với các vị thuốc mà trong thành phần chứa nhiều tinh bột như các vị hoài sơn, cát căn… hoặc làm mềm một số dược liệu như đương quy, bạch chỉ, ngưu tất… Ngoài ra, người ta còn tiến hành xông lưu huỳnh thường kỳ để bảo quản dược liệu.

Hình ảnh sấy thuốc đông y bằng lưu huỳnh. Ảnh: Tiền phong

Bàn về vấn đề này, GS. TS. Lương y Dương Trọng Hiếu cho biết trên VTV: “Các vị thuốc được và không được xông diêm sinh thì trong y văn đã ghi rất rõ. Ví dụ như hoa cúc không được xông, nhưng bạch truật, hoài sơn, hạt sen thì được xông”.

Sử dụng nồng độ cao khí diêm sinh để sấy thuốc sẽ gây hại đầu tiên đối với những người tại cơ sở chế biến thuốc. Với người tiêu dùng, mối lo không nằm ở việc tồn dư lưu huỳnh mà ở việc những vị thuốc có thể mất tác dụng khi xông lưu huỳnh bừa bão, không theo nguyên tắc.

Ngoài diêm sinh, nhiều cơ sở còn bị phát hiện sử dụng nhôm phốt-pho để bảo quản dược liệu. Hóa chất này khi gặp hơi nước sẽ tạo thành phosphine (PH3) – một chất độc đối với người. Khi nhiễm chất này, nhẹ thì nhức đầu, mệt mỏi, ù tai, bắp thịt co giật; ở nồng độ cao, có thể gây ra kích ứng hô hấp, phù phổi, tổn thương tim mạch cùng những độc tính với thận, gan.

Không chỉ vậy, ngoài mối lo sử dụng chất bảo quản như diêm sinh hay nhôm phốt-pho, các cơ quan chức năng còn phát hiện các hành vi sử dụng chất độc hại để nhuộm màu thuốc.

Lưu huỳnh thường dùng để sấy thuốc bắc chống mốc. Ảnh: Sức khỏe & đời sống

 “Quy trình” biến thuốc chữa bệnh thành… thuốc độc

Nói về những tác hại của lưu huỳnh khi sử dụng để xông thuốc đông y, trao đổi trên báo Lao động, Thạc sĩ, Dược sĩ Trần Văn Trễ – Trưởng Khoa Dược Viện Y Dược học Dân tộc TPHCM cũng từng phân tích, đông dược là những vị thuốc làm từ rễ, thân, lá, cây cỏ và từ xương, da, xác động vật… và một số từ khoáng vật dễ hút ẩm nên đây là môi trường thích hợp cho sâu mọt, nấm mốc phát triển.

Cũng theo vị dược sĩ này, phương pháp xông lưu huỳnh để kéo dài thời gian bảo quản thuốc rất nguy hiểm. Khi lưu huỳnh bị đốt cháy sẽ thành SO2, là chất tẩy mạnh giúp tiêu diệt được nấm mốc, sâu mọt. Tuy nhiên, trong quá trình xông, lưu huỳnh sẽ lưu lại trên thuốc làm thuốc bị cứng, thay đổi màu sắc, mùi vị và giảm hoạt chất. Ngoài ra, SO2 gặp hơi ẩm trong phổi thành H2SO3 (axit xunfurơ) là chất ôxy hóa, ảnh hưởng đến phổi và hệ thần kinh nên rất độc đối với người trực tiếp bào chế thuốc.

Một chuyên gia về đông dược cho hay, dược liệu bị xông, sấy thì phân tử SO2 và SO3 sẽ ngấm vào thuốc. Những phân tử này kết hợp với H2O tạo thành axit xunfuric, kết hợp với các chất khác trong dược liệu sẽ tạo thành những tinh thể có độ bền vững cao… nếu tồn dư nhiều trong cơ thể có khả năng gây ung thư. Nhiều người uống đông dược phản ánh thuốc bị chua và có mùi lưu huỳnh do dược liệu bị nhiễm lưu huỳnh và thuốc trừ sâu quá nhiều.

Trao đổi trên báo Người lao động, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, Phòng Thí nghiệm hóa phân tích, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, trong công nghiệp, lưu huỳnh (S) được sử dụng để sản xuất thuốc súng, thuốc trừ sâu, chất phục vụ cho lưu hóa cao su… Trong y khoa, lưu huỳnh được sử dụng để điều trị các chứng bệnh của da như mụn, ghẻ ngứa. Lưu huỳnh thường được đốt để tẩy uế các căn phòng của bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Vân cảnh báo, SO2 là một chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm với vai trò chất tẩy trắng, chất bảo quản và chất ổn định. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, việc sử dụng SO2 đã được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Hoa Kỳ) cảnh báo. Theo FDA, đã có 19 trường hợp bị chết do ăn xà lách được phun SO2 để bảo quản và giải thích là do SO2 gây ra bệnh hen suyễn nghiêm trọng đối với số người này.

Thuốc đông y xông lưu huỳnh, nhuộm màu có thể gây ung thư và đe dọa tính mạng người sử dụng. Ảnh: VTV

Về chất nhuộm màu trong đông y, theo báo Tiền Phong, thời gian qua đã phát hiện mẫu Chi tử có chứa chất cấm độc hại Rhodamine tại nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc đông y  trên địa bàn Hà Nội như phố Lãn Ông, Ninh Hiệp (Gia Lâm)…

Theo các nhà khoa học, Chi tử là vị thuốc dùng trong đông y khá phổ biến, có màu vàng nâu đất, thơm và có tác dụng chữa thanh nhiệt, tá hỏa, lợi tiểu tiện, cầm máu. Theo nhận định, có thể người kinh doanh dùng Rhodamine B để Chi tử có màu đẹp hơn, hoặc lợi dụng tính phát quang của chất này để ngăn chặn côn trùng, mối mọt.

Tuy nhiên, Rhodamine B là một loại chất hóa học dùng để nhuộm quần áo, cấm tuyệt đối trong thực phẩm và thuốc vì rất độc hại cho cơ thể.

Vân Thảo (T/h)

Tin mới

Cục An toàn thực phẩm xác nhận chưa cấp công bố ATTP cho nước uống Collagen Edally

Cụ thể, trong công văn trả lời Chất lượng Việt Nam Online (Viet Q.vn), Cục …

Hotline: 0909 89 87 83