Theo GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định, xô chậu nhựa dùng để muối dưa không vấn đề nhưng với điều kiện bình nhựa đó phải đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, nhiều người dân dùng xô chậu nhựa kém chất lượng, đặc biệt là thùng đựng sơn để muối dưa chua thì rất nguy hiểm.
Những chậu dưa cải muối bày lộ thiên không che đậy được bán tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10 – TP.Hồ Chí Minh)
Theo chuyên gia này, sở dĩ các loại thùng sơn còn nguy hiểm hơn các loại thùng nhựa bình thường vì còn lưu lại các chất phụ gia, chất tạo màu, dung môi… từ sơn. Bên cạnh đó, nếu sử dụng thùng nhựa công nghiệp thì tồn dư hàm lượng kim loại nặng sẽ cao. Kim loại nặng ở đây gồm các chất như chì, cadimi, asen… Khi muối dưa sẽ nhiễm ra nước muối dưa và ngấm vào sản phẩm. Điều này rất độc hại với người ăn, dễ gây bệnh đường ruột hoặc nặng nhất là ung thư nếu ăn thường xuyên và ăn với số lượng nhiều.
“Thức ăn cần được bảo quản đúng cách trong các vật lưu trữ bằng nhựa thực phẩm”, ông Thịnh cho biết.
Những ngày cận Tết, tại nhiều chợ dân sinh các món ăn “chống ngấy” như dưa cải muối, dưa món…được bán nhiều. Đặc biệt, dưa muối là món ăn có mặt thường xuyên trong các gia đình nhất là vào dịp Tết. Món ăn này có tác dụng kích thích tiêu hóa và bổ sung các vi sinh vật có lợi cho hệ thống tiêu hoá của con người như lactobacilli, acidophilus và plantarum. Dưa muối khi kết hợp với các sản phẩm giàu đạm sẽ tạo cảm giác ngon miệng.
Thế nhưng, một thực trạng đáng lo ngại và vấn đề an toàn thực phẩm từ món ăn này dường như vẫn đang bỏ ngỏ.
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh tại địa bàn quận 10, TP. Hồ Chí Minh, dưa muối được đựng trong các xô chậu nhựa để lộ thiên, không đậy điệm. Nhiều chậu dưa cải muối chua màu vàng ruộm, nhiều chậu dưa muối đã ngả màu thâm đen ngâm trong chậu nước không mấy bắt mắt.
Dưa cải muối đựng trong các chậu nhựa đã ngả màu
Bà Lan ( tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương, quận 10) cho hay, để có được những cây cải vàng người bán đã phải muối từ cách đây cả tháng. Theo bà Lan, để kinh tế, người ta muối cả thùng lớn sau đó đem bỏ xỉ cho các tiểu thương bán lẻ ở chợ dân sinh.
Về việc đựng dưa cải muối trong những chiếc chậu xếp trên những thùng cáu bẩn, bên cạnh các hàng hóa tươi sống khác bà Lan cho rằng dưa cải muối chua thì không cần phải “sạch” đằng nào người dùng về cũng phải rửa.
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, trước đây dân gian muối dưa, cà bằng cách làm sạch, hòa nước muối, muối, ép cho lên men, khiến dưa, cà chua, nhưng làm như vậy khả năng nhiễm khuẩn vẫn còn. Để tránh nhiễm khuẩn, hiện người ta cho sorbat natri vào, đây là hóa chất được phép sử dụng, khiến dưa không khú, cà không bị nhớt.
Tuy nhiên, an toàn thực phẩm vẫn phải đặt lên hàng đầu, tuyệt đối không ăn dưa muối để lâu, xuất hiện nấm mốc trên bề mặt. Nếu quan sát bằng mắt thường, thấy váng hay cặn nổi trên bề mặt cũng không ăn.
“Người tiêu dùng cũng nên tẩy chay nhưng nơi bán món ăn này đựng ở những xô chậu mất vệ sinh, kém an toàn. Đặc biệt là thực phẩm được đựng ở những vật dụng bằng nhựa công nghiệp”, ông Thịnh nói.
Cảnh giác với dưa cải muối có màu vàng “lạ”
Năm 2016, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản TP.Đà Nẵng công bố kết quả xét nghiệm 7 mẫu dưa cải muối do Trung tâm phân tích thí nghiệm Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM thực hiện. Kết quả cả 7 mẫu (100%) đều nhiễm chất cấm Auramine O (chất vàng ô). Đây là chất màu tổng hợp, dùng trong công nghiệp nhuộm vải, giấy, gỗ… và màu sơn quét tường, là chất độc cho cơ thể người, không được sử dụng trong thực phẩm, ngay cả trong chăn nuôi chất này cũng bị cấm sử dụng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không mua, sử dụng dưa cải muối có tẩm màu vàng, cũng như các thực phẩm có tẩm màu khác đang được bày bán tràn lan tại chợ, các cơ sở chế biến không có nhãn mác chứng nhận. |
Bảo Anh