Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất, đường dây nóng Báo Thanh Niên tiếp nhận phản ánh của người dân về nhiều cơ sở ở ấp Bến Đình (xã Phú Đông, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) chế biến củ mì (sắn) sử dụng hóa chất gây ô nhiễm, người hít phải thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn…
Theo đó vào đầu tháng 2/2018, PV Thanh Niên có mặt tại ấp Bến Đình, dọc hai bên đường Trần Văn Trà có hàng loạt bãi phơi khoai mì. Mỗi bãi rộng hàng ngàn mét vuông, khoai mì nguyên củ (đã được cạo sơ vỏ) hoặc xắt lát phơi trên những tấm bạt mỏng dưới mặt đất, nhiều tấm rách nát, bám đất cát đen sì cùng nhiều đống khoai mì phủ bạt kín mít. Quanh bãi phơi, rác, củ mì hư thối vương vãi khắp nơi… “Những hộ dân ở đây làm nghề này lâu rồi. Họ mua khoai mì ở H.Long Thành (Đồng Nai), chở về bằng các xe tải lớn…”, bà H. (ngụ ấp Bến Đình, xã Phú Đông) cho hay.
Xông lưu huỳnh khoai mì công khai giữa thanh thiên bạch nhật
Theo hướng dẫn của người dân, PV đến một căn nhà mặt tiền đường Trần Văn Trà rộng hàng ngàn mét vuông, được chia làm đôi: một bên là cơ sở bào chế và một bên vừa phơi vừa ủ khoai mì. Cặp theo con hẻm bên hông nhà có 3 – 4 cơ sở liền kề cũng bào chế khoai mì, đối diện là khu đất trống hàng ngàn mét vuông phơi, ủ khoai. Xung quanh, hàng chục hộ gia công xắt lát, gọt khoai mì… cho các cơ sở bào chế. Xe máy, xe ba gác liên tục ra vào chở khoai mì. Bà D., một hộ gia công khoai mì, cho biết: “Tôi nhận khoai mì củ được chẻ sẵn làm 2, 3, 4 của bà M. về cắt, gọt sao cho giống hình dạng hoài sơn (một vị thuốc đông y) với tiền công 1.000 đồng/kg; còn xắt lát khoai mì củ khỏe hơn nhưng tiền công chỉ 20.000 đồng/bao 60kg”.
Để tiếp cận chủ cơ sở, chúng tôi nói muốn mua số lượng lớn hoài sơn đưa về miền Trung bỏ mối. Bà D. liền gọi điện cho bà M. Vài phút sau, bà M. tới dẫn chúng tôi vào cơ sở sản xuất. Đó là cơ sở nằm cuối dãy cùng trong hẻm. Tại đây, ông T., con trai bà M., nói thẳng: “Ở đây không có hoài sơn thật mà chỉ có hoài sơn giả làm từ khoai mì, khoai từ, trong đó khoai từ giả hoài sơn là giống nhất. Khoai mì được bào chế giả hoài sơn bán trong nước, còn khoai từ được bào chế hoài sơn giả chỉ để xuất khẩu. Mỗi tháng tôi làm 100 tấn khoai mì tươi, ra thành phẩm vài chục tấn hoài sơn”.
Thấy chúng tôi lo ngại lấy hàng về bán không kịp có thể bị mốc, ông T. cam kết: “Hàng tôi được xông, ủ thuốc đến 3 lần, để cả năm trời vẫn trắng tinh, không bị mốc. Đã xông 3 lần thuốc, phơi nắng như vậy đảm bảo không bao giờ bị mốc, trừ khi đụng nước. Với kinh nghiệm của gia đình hơn 20 năm trong nghề, tôi bảo đảm hàng không bao giờ bị mốc, nếu mốc tôi sẵn sàng nhận lại hàng, thối tiền lui”.
Làm việc với PV Thanh Niên, ông Dương Chí Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Đông (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) – nơi có hàng loạt cơ sở làm giả hoài sơn ở ấp Bến Đình, khẳng định: “Mấy năm nay chỉ thấy người dân phơi, chứ không thấy sử dụng hóa chất gì cả (!?). Có thể họ lén lút làm vào ban đêm. Tôi cũng không rõ họ phơi khoai mì làm gì, chỉ nghe nói làm hoài sơn gì đó. Họ làm xong thì chở lên Q.5 (TP.HCM) bán, chứ không bán sử dụng ở địa phương nên cũng không nắm rõ”. Tuy nhiên, trước những thông tin, hình ảnh PV Thanh Niên cung cấp, ông Hùng thừa nhận: “Thời gian sau này thấy hoạt động làm mì lát lắng xuống và chỉ phơi ở bãi đất trống nên cán bộ xã thiếu sót trong kiểm tra. Trong khi công chức địa chính, môi trường của xã nắm kỹ vấn đề này lại mới được luân chuyển, người mới về chưa nắm bắt hết địa bàn”.
Ông Hùng còn cho rằng: “Lâu nay cũng không thấy người dân phản ánh, vừa qua họp, trưởng ấp cũng không phản ánh. Chắc mùa nắng này họ bắt đầu làm nhiều”. Điều này là ngụy biện, bởi thực tế người dân địa phương rất bức xúc về tình trạng dùng hóa chất trong chế biến khoai mì nên đã phản ánh tới Báo Thanh Niên. Ngay ông T., chủ một cơ sở làm giả hoài sơn, cũng thừa nhận với PV: “Trước đây, các cơ sở ở đây xông lưu huỳnh tại chỗ gây mùi hôi khiến người dân chịu không nổi phản ứng, địa phương yêu cầu di dời ra xa nhà dân”.
Giao hoài sơn giả cho cửa hàng T.P (Q.5) theo đơn đặt hàng
Về tình trạng sử dụng lưu huỳnh xông, ủ khoai mì tại cụm công nghiệp (CCN) Phú Thạnh – Vĩnh Thanh (H.Nhơn Trạch), ông Nguyễn Giang Thanh, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh, xác nhận: “Việc phơi khoai mì ở CCN Phú Thạnh – Vĩnh Thanh chủ yếu là người dân xã Phú Đông. Còn khu đất đang làm bãi phơi mì là nơi giao giữa xã Phú Thạnh và Vĩnh Thanh, nằm trong CCN. Đất tỉnh đã thu hồi bàn giao cho CCN nên hiện thuộc thẩm quyền H.Nhơn Trạch quản lý, xã không dính dáng gì cả”. Ông Thanh cũng cho rằng: “Do nằm trong CCN nên trước giờ chưa nghe người dân phản ánh việc sử dụng lưu huỳnh xông khoai mì gây ô nhiễm (!?). Trước bà con phơi ở nhà, nay thì đưa ra đây phơi. Nếu trên địa bàn xã có trường hợp như PV phản ánh thì xã sẽ cho cán bộ đi kiểm tra, đồng thời báo Phòng TN-MT huyện xuống phối hợp xử lý”.
Trong khi đó, một cán bộ Trung tâm dịch vụ đô thị (H.Nhơn Trạch, Đồng Nai), đơn vị quản lý CCN Phú Thạnh – Vĩnh Thanh, cho rằng tại CCN do nhiều công ty chưa đầu tư xây dựng, xe đi lại ít nên người dân phơi trên đường và bãi đất trống cũng không ảnh hưởng gì. “Trong các cuộc họp trước đây, một số doanh nghiệp có phản ánh việc ủ khoai mì, nhất là vào mùa mưa, bốc mùi hôi, thối. Còn việc người dân sử dụng hóa chất gì thì chúng tôi không biết”, vị cán bộ này nói.
Về nơi tiêu thụ hoài sơn giả, bác sĩ Thái Thanh Hải, Trưởng phòng Y tế Q.5 (TP.HCM), nói: “Trên địa bàn Q.5 hiện có hơn 100 cửa hàng, quầy bán thuốc đông y, tập trung ở các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Phan Huy Chú, Triệu Quang Phục… Theo quy định, mỗi năm phòng kiểm tra một lần. Qua kiểm tra, phòng phát hiện những vi phạm như vệ sinh chưa đảm bảo, dược liệu ẩm mốc, hóa đơn chứng từ không đầy đủ… Nhưng về việc bán hoài sơn giả, từ trước đến nay phòng chưa nghe, chưa nắm và chưa phát hiện. Bởi các cửa hàng đều đưa ra được kiểm nghiệm hoài sơn đạt chuẩn (!?). Theo quy định của Sở Y tế TP, hoài sơn là một trong 5 loại dược liệu bắt buộc phải có kiểm nghiệm đạt mới được phép buôn bán. Nhưng cũng có thể do hoài sơn khá giống củ mì nên có thể người ta trà trộn vào”.
Theo Thanh Niên