Sau sự kiện sữa nhiễm độc melamine ở Trung Quốc khiến cho 6 trẻ em tử vong và 290.000 trẻ mắc bệnh sạn thận đến nay vẫn làm cho không ít phụ huynh có con nhỏ hoang mang và băn khoăn thực sự melamine là gì? Và giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm là bao nhiêu?
Melamine là gì?
Melamin là chất hữu cơ màu trắng pha lê và khó tan trong nước. Đây là tổng hợp từ chất ure- một chất có nitrogen cao, có thể chịu được nhiệt độ cao đến 3500C. Người ta dùng melamine như thành phần chính trong công nghệ sản xuất các vật dụng gia đình, formica ( trong công nghệ bàn ghế, tấm vách…)… Khi sản xuất sữa, các nhà sản xuất thường pha loãng sữa với nước, đồng thời cho melamine vào để tăng hàm lượng protein. Thông thường, sẽ rất khó để phân biệt đâu là đạm tự nhiên có trong sữa và đâu là nitrogen của melamine.
Thực tế, bản thân melamine không có tính độc nhưng khi kết hợp với axit cyanuric (màu đỏ) qua liên kết phân tử hình mái ngói, lắng đọng tích tụ gây ra sỏi thận, nghiêm trọng hơn dẫn đến tử vong.
Ngoài sữa ra, có thực phẩm nào khác chứa melamine?
Thật ra, melamine không chỉ phát hiện trong sữa, mà còn thấy trong cà rem, sữa chua, kẹo, bánh biscuit, v.v… Đương nhiên, theo nguyên tắc phòng ngừa, bất cứ thực phẩm nào cũng không nên hàm chứa melamine. Do đó, việc kiểm tra và kiểm nghiệm các sản phẩm lưu hành trong thị trường nước ta không chỉ tập trung vào sữa mà còn xem xét đến các thực phẩm vừa kể.
Quy định về hàm lượng melamine nhiễm chéo trong thực phẩm
Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra ngưỡng mức hấp thụ hàng ngày có thể chịu được (TID) là 0,2mg melamine/kg trọng lượng cơ thể, ngày 11 tháng 12 năm 2008 Bộ Y tế Việt Nam đã có Quyết định số 38/2008/QĐ-BYT ban hành “Quy định chấp nhận mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm”. Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm tại Việt Nam.
Nhiễm chéo là ô nhiễm không chủ định, trực tiếp hoặc gián tiếp vào sản phẩm thực phẩm từ môi trường; dụng cụ, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Theo đó, hàm lượng melanine trong thực phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi không vượt quá 1,0mg/kg, các loại thực phẩm khác không vượt quá 2,5mg/kg thực phẩm. Giới hạn này sẽ được thay đổi khi có cơ sở khoa học về độc tính của melamine và các chất liên quan được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) công bố bổ sung.
Trong trường hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng được ban hành thì mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm sẽ được thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đó.
Một lần nữa Bộ Y tế tiếp tục khẳng định nghiêm cấm việc cố ý cho melamine vào thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, ở bất kỳ hàm lượng nào. Việc ban hành giới hạn này không có nghĩa là cho phép nhà sản xuất cho melamine vào thực phẩm với hàm lượng dưới giới hạn công bố kể trên.
Bộ Y tế sẽ kiểm soát mức độ melamine trong thực phẩm như thế nào ?
Sau khi ban hành giới hạn tối đa melamine nhiễm chéo trong thực phẩm, Bộ Y tế sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn tất cả các sản phẩm có nguy cơ có melamine. Bên cạnh việc kiểm tra melamine như là chỉ tiêu nhà nước về kiểm tra thực phẩm Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác hậu kiểm, tức là khi sản phẩm đã lưu thông trên thị trường.
Từ trước đến nay, xác định melamine trong thực phẩm đều do cố tình cho vào để tăng độ đạm. Để tăng độ đạm thì hàm lượng lớn hơn nhiều ngưỡng cho phép. Do đó, hàng hóa sắp tới nhập vào sẽ phải xác định melamine bằng máy móc và hệ thống labo đã có trong thời gian qua.
Những sản phẩm đảm bảo chất lượng, còn thời hạn sử dụng, melamine dưới mức giới hạn sẽ được lưu hành. Những sản phẩm có hàm lượng melamine vượt quá mức giới hạn vừa ban hành sẽ phải tiêu hủy.
Ý nghĩa của việc quy định mức melamine tối đa trong thực phẩm
Ông Martjin Weijtens, Chủ tịch Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm, cho rằng: “Việc quy định mức melamine tối đa trong thực phẩm sẽ giúp chính phủ các nước phân biệt được việc nhiễm melamine ở mức không gây nguy hại cho sức khỏe với việc cố ý pha thêm melamine. Do đó có thể bảo vệ được sức khỏe cộng đồng mà không cản trở thương mại quốc tế một cách không cần thiết”.
Các tiêu chuẩn mới này, mặc dù không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng cho phép các nước có thể từ chối nhập khẩu các sản phẩm có hàm lượng melamine vượt quá mức cho phép. Những tiêu chuẩn này khi được các quốc gia đưa vào hệ thống pháp luật của mình, sẽ góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm và giúp định hướng việc mua bán lương thực, thực phẩm quốc tế.
-FOSI-