Những ngày mùa đông mực nướng trở thành món ăn khoái khẩu của không ít gia đình, đặc biệt là món không thể thiếu của các quý ông thích ngồi nhâm nhi hàng quán. Bản thân con mực tươi là thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất tốt cho người bị bệnh khớp, giúp bồi bổ khí huyết…
Tuy nhiên, mực khi phơi khô ngoài thành phần dinh dưỡng bị hao hụt thì nhiều thương lái đã tẩm thêm hóa chất bảo quản, thậm chí làm mực giả để tối ưu hóa lợi nhuận.
Tuy vậy, quá trình ‘gia công’ mực giả ngày càng tinh vi nên không ít người vì ham của rẻ hoặc không biết phân biệt mà cuối cùng lại ‘ăn trái đắng’. Dưới đây là một số bí kíp đơn giản giúp bạn phân biệt mực thật mực giả vô cùng hữu hiệu.
Hình dáng bên ngoài
Hình dáng ‘mực gia công’ gần như giống mực thật nên rất khó phát hiện, kể cả đối với những người trong nghề. Nhưng cái gì làm giả dù hoàn hảo đến đâu vẫn có kẽ hở. Ở mực giả, râu mực không có độ quăn tự nhiên, phần thân có các góc thô, không có độ bóng tự nhiên như hàng thật. Đặc biệt, một số loại mực giả nếu để ý kĩ bạn sẽ thấy phần băng keo dính ở đuôi.
Hơn nữa, ở loại mực giả phần trắng bao quanh không được dính đều như mực thật. Phần màu trắng này nhìn có vẻ hơi ‘mong manh dễ vỡ’.
Cảm quan
Khi sờ vào mực giả, bạn có cảm giác nó hơi đàn hồi giống như cao su trong khi ở mực thật là cảm giác mềm tay của thịt. Cảm nhận này càng rõ nét khi dùng tay kéo, mực giả sẽ có tính chất co dãn của cao su.
Thêm vào đó, miếng mực khi xé bạn sờ thấy chúng nhẵn nhụi ‘đáng ngờ’ và không thấy sự xuất hiện của gân giữa sống lưng như đồ thật.
Đặc biệt, khi ngâm mực giả vào nước sẽ thấy hiện tượng lớp phấn trắng bên trên trôi tuột ra ngoài, sờ vào thân thấy nhớp nhớp và con mực ‘hiện nguyên hình’ là miếng cao su.
Khi nướng lên
Mực giả tuy ‘độ’ mùi thơm y như hàng thật nhưng khi nướng lên mùi thơm ấy hoàn toàn tiêu tan. Thay vào đó, bạn sẽ ngửi thấy mùi khét của cao su.
Chú ý: Không nên mua loại mực xé sẵn vì có nguy cơ cao bị trộn các thành phần khác. Khi mua mực nên mua nguyên con, chọn cửa hàng uy tín, nguồn gốc hàng hóa rõ ràng.
Theo Suckhoedoisong.vn