Thông tư liên tịch này chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề chính đó là: phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; phối hợp trong thanh tra, kiểm tra về ATTP và xác nhận kiến thức về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các nhóm ngành hàng thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của 3 Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương. Thông tư liên tịch có một số điểm mới và đáng chú ý như sau:
1. Đã phân công rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giữa ba Bộ:
Thông tư liên tịch đã đưa ra nguyên tắc cơ bản và quan trọng trong việc phân công quản lý, đó là: một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước. Việc đưa ra nguyên tắc này sẽ giúp khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý ATTP.
Ngoài ra, việc đưa ra danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từng bộ đã tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện, tuân thủ các quy định về pháp luật ATTP do từng bộ quản lý.
Ví dụ: Cơ sở sản xuất bánh kẹo sẽ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương; Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng sẽ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế; Cơ sở sản xuất thịt hộp sẽ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp & PTNT.
Còn khi cơ sở sản xuất cả ba mặt hàng đó, thay vì chịu sự quản lý của cả 3 Bộ thì cơ sở đó sẽ chỉ chịu sự quản lý của Bộ Y tế theo quy định của Thông tư liên tịch này.
2. Giải quyết được vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương:
Trước đây, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP còn có sự chồng chéo giữa các ngành hoặc giữa các đoàn của Trung ương và địa phương dẫn đến tình trạng 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sẽ có thể có 2-3 cơ quan cùng tiến hành thanh tra, kiểm tra. Với quy định mới của Thông tư liên tịch này đã giúp xác định cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong thanh tra, kiểm tra ATTP; các nguyên tắc khi có sự trùng lặp trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh trường hợp trùng lắp khi tiến hành thực tế việc thanh tra, kiểm tra tại cơ sở. Thêm nữa, với nguyên tắc 1 cơ sở chỉ chịu sự quản lý của 1 cơ quan sẽ giúp các cơ quan chức năng chủ động hơn trong việc lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
3. Thống nhất về quy trình, thủ tục và đơn giản hóa việc xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm:
Thông tư liên tịch này đã thống nhất về hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý của từng Bộ, khắc phục sự khác biệt trong thủ tục, quy trình của từng Bộ khi tiến hành hướng dẫn xác nhận ATTP.
Theo quy định trước đây thì hàng năm các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tham gia các lớp tập huấn kiến thức về ATTP và được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP. Nhưng theo quy định Thông tư liên tịch này, thì không bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia các lớp tập huấn mà chỉ cần tham gia kiểm tra kiến thức về ATTP bằng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về ATTP theo quy định của bộ quản lý chuyên ngành. Như vậy, tùy thuộc điều kiện thực tế, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thể tự tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho nhân viên của mình hoặc tham gia các lớp tập huấn do các đơn vị có đủ điều kiện tổ chức hoặc có thể tự tìm và đọc các tài liệu liên quan đến ATTP để có đủ kiến thức tham gia bài kiểm tra. Với quy định như vậy, các doanh nghiệp sẽ không phải chi trả chi phí tập huấn kiến thức ATTP cho các cơ quan quản lý như trước đây. Hiện tại, liên bộ đang giao cho các cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng hướng dẫn chi tiết việc xác nhận kiến thức ATTP này.
Việc quản lý kinh doanh thức ăn đường phố do Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện theo phân công tại Luật an toàn thực phẩm và Nghị định số 38. Hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn chỉnh thông tư hướng dẫn cụ thể về quản lý thức ăn đường phố.
Ngoài ra, Thông tư liên tịch cũng quy định thời hạn hiệu lực của Giấy xác nhận kiến thức ATTP là 3 năm thay vì 1 năm như quy định trước đây của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn. Việc quy định thời hạn Giấy là 3 năm hoàn toàn phù hợp với thời hạn của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã được Luật an toàn thực phẩm quy định.
Trong thời gian tới đây, để việc triển khai Thông tư liên bộ này được đồng bộ và thống nhất, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) sẽ tổ chức phổ biến nội dung Thông tư liên tịch đến tất cả 63 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm trong phạm vi cả nước.
Download Thông tư liên tịch số 13 /2014/TTLT- BYT-BNNPTNT-BCT. Tại đây
Nguồn: VFA