Báo Pháp luật TPHCM dẫn thông tin từ chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, làm khô cá là hình thức bảo quản lâu đời, loại bớt nước bằng cách làm khô tự nhiên dưới nắng mặt trời, hoặc sấy nhẹ. Làm khô cá đến mức độ thích hợp, vi khuẩn gây hư thối sẽ bị ức chế.
Sự ươn thối của cá là do hoạt động vi sinh vật và các enzyme có trong cá, nhất là trong nội tạng. Thường thì cá được ướp muối, hoặc ngâm trong dung dịch muối bão hòa trước khi làm khô. Độ mặn của muối có thể ức chế hoạt động của vi khuẩn, và enzyme phân giải cá, làm chậm mức độ ươn thối.
Mùi tanh của cá hấp dẫn ruồi. Mùi càng ươn, càng tanh thì ruồi càng bu. Nắng dịu, ruồi bu nhiều. Nắng gắt, ruồi bu ít. Rồi rửa cá không sạch, còn lẫn máu nhớt, nội tạng cá, ruồi lại càng bu nhiều hơn.
Khô cá là giai đoạn bảo quản cho cá được lâu nhưng nếu không đảm bảo vệ sinh sẽ rất nguy hiểm. Ảnh: PLTPHCM
Trên lý thuyết, vi khuẩn khó sống nổi với độ mặn của cá nhưng thấy ruồi bu là nhiều người sợ. Ngay cả cá khô thành phẩm, nếu vệ sinh chưa kỹ, ruồi vẫn bu, chỉ có bu nhiều hay ít mà thôi.
Để ruồi khỏi bu, một số người làm khô cá đã dùng chất diệt côn trùng có tên là trichlorfon, cho vào lúc làm khô cá. Chất trichlorfon không được phép dùng trong thực phẩm, ngay cả trong nuôi trồng thủy sản, cũng không được phép dùng vì tính độc hại của nó, ông Vũ Thế Thành chia sẻ thêm.
Theo một chuyên gia thực phẩm khác thì độc tính của trichlorfon rất cao. Khi hấp thụ vào cơ thể có thể gây ra líu lưỡi, suy nhược, mất phản xạ… Nặng hơn có thể khiến nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật hoặc rối loạn tâm thần.
Khô cá mà ruồi không bu, người dùng lo lắng khô có xài hóa chất. Mà ruồi bu lại sợ mất vệ sinh. Ngay cả khi cá khô được đóng gói trong bao bì plastic rút chân không, trông sạch sẽ nhưng trong quá trình chế biến, phơi nắng, ruồi có bu hay không, cũng khó biết.
Thực tế, báo Công an Nhân dân đưa tin, đã không ít lần cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ cá khô “bẩn”. Điển hình nhất vào tháng 5/2016, Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh An Giang tổ chức tiêu hủy hơn 1.000kg khô cá không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh kết hợp với Chi cục Quản lý nông lâm và thủy sản An Giang tiến hành kiểm tra 2 cơ sở hoạt động ngành nghề chế biến cá tra khô của hộ ông Nguyễn Văn Sanh và Lê Văn Hữu, tọa lạc ấp An Thái, xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện gần 1,2 tấn khô cá tra, trị giá hơn 30 triệu đồng của 02 cơ sở kinh doanh này tẩm ướp các phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép sử dụng chế biến thực phẩm như hàn the và chất Trichnophon, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nên đã tiến hành lập biên bản tịch thu và tiêu hủy số hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Nói tới cá khô không đảm bảo vệ sinh và chứa chất cấm trichlorfon, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, mặc dù là chất cấm nhưng trichlorfon còn được dùng làm thuốc diệt côn trùng như gián, ruồi, rệp… “Do vậy, khi cho trichlorfon vào cá khô thì chẳng con ruồi nào dám bén mảng là đương nhiên rồi. Bằng mắt thường không thể xác định cá khô có hoặc không có trichlorfon”, ông Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, độc tính của trichlorfon rất cao. Khi hấp thụ vào cơ thể gây ra hiện tượng líu lưỡi, suy nhược, mất phản xạ… Nặng hơn có thể khiến nhịp tim bất thường, bất tỉnh, co giật, rối loạn tâm thần, thậm chí dẫn đến tử vong.
An Dương (T/h)