Thuốc HPC – 97 HXN đến từ Trung Quốc này có tác dụng biến trái cây xanh thành chín một cách “thần tốc”.
“Thần dược” ép chín trái cây có mặt khắp nơi
VTV24 đưa tin, lợi dụng tâm lý lựa chọn trái cây dựa vào vẻ bề ngoài của người tiêu dùng, thời gian gần đây đã có một số thương lái và những người buôn bán trái cây đã sử dụng thuốc thúc chín trái cây nhanh.
Theo các chuyên gia, loại thuốc HPC – 97 HXN cấm dùng cho bảo quản nông sản và thực phẩm, chỉ được dùng trong trồng trọt, giúp cây nhanh nở hoa, phát triển.
Tuy nhiên nhà sản xuất cũng như cơ quan quản lý cũng khuyến cáo người tiêu dùng là phải sử dụng trong liều lượng cho phép thì mới không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Điều đáng nói là, với liều lượng cho phép theo khuyến cáo thì chỉ có thể làm chín các loại trái cây sắp chín, còn loại trái cây còn non thì không thể làm chín nổi. Trong khi, sầu riêng thường được thương lái thu mua cả vườn, hái toàn bộ sầu riêng, kể cả những trái còn non.
Do vậy, để thúc chín các loại trái non này, buộc thương lái phải dùng HPC-97 HXN với lượng đậm đặc thì mới có kết quả. Thường người nông dân hay thương lái họ không ý thức được tính nguy hiểm ở “chỉ số” ghi trên bao bì. Bởi thực tế, mấy ai để ý đến chỉ số và liều lượng trên nhãn mác. Họ chỉ biết “đây là thuốc được phép dùng để làm chín trái cây, mình sẽ pha thế nào để trái cây chín được là được”.
Hiện hóa chất này được bày bán công khai, tràn lan ngoài thị trường, hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc và có giá rất rẻ. Chỉ cần dùng một lượng nhỏ thì dù trái cây có xanh như thế nào cũng chỉ sau vài ngày sẽ chín đều, có mùi thơm nồng như thông thường.
TPO dẫn thông tin từ Bộ NN&PTNT, hiện tại, các loại thuốc thúc chín hoa quả vẫn chưa có trong danh mục thuốc được phép sử dụng của Bộ. Toàn bộ các loại thuốc được phát hiện đều chỉ là “ngoài luồng” thậm chí thuốc nhập từ Trung Quốc nên có thể nói việc sử dụng các loại thuốc thúc chín hoa quả như đu đủ, mít, xoài… là bất hợp pháp.
Theo lãnh đạo Cục BVTV, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp đang thử nghiệm với chất bảo quản 1-MCP của Hàn Quốc. Theo đó, Cục đã cấp phép khảo nghiệm, còn tiến hành khảo nghiệm ở đâu thì doanh nghiệp phải làm, nhưng tiến độ rất chậm.
Theo các chuyên gia, hiện nhiều nước đã cho phép sử dụng một số hóa chất bảo quản an toàn như: Dephenyl amin (DPA), 1-MCP (1-metycyclopropene)…
Đặc biệt, chất 1-MCP được sử dụng phổ biến tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Khi sử dụng các chất trên, cùng với điều kiện râm mát, trái cây như táo có thể bảo quản hàng tháng mà vẫn giữ độ tươi, màu sắc, hương vị.
Tuy nhiên, TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, chất 1-MCP rất đắt, đến hàng trăm triệu đồng mỗi kg.
Theo ông Tuấn, loại chất này không phải dùng để nhúng, phun, tiêm trực tiếp như thuốc ở Trung Quốc mà sử dụng để xông trong buồng kín, với mỗi loại hoa quả có một nồng độ. Ngoài ra, có thể dùng các chế phẩm toàn hấp thụ etylen, chống oxy hóa kết hợp với bao gói, chi phí sẽ rẻ hơn.
Nhận biết hoa quả nhiễm hóa chất
Như Chất Lượng Việt Nam đã đưa, việc nhận biết hoa quả ngậm hóa chất hay không rất đơn giản nếu các bà nội chợ tinh ý và kiểm tra kỹ trước khi mua. Đối với hoa quả có màu sắc và trạng thái tự nhiên sẽ không bị giập nát, úa, không có vết màu lạ hay mùi vị lạ. Đặc biệt không nên mua hoa quả đã bị thâm hoặc nhũn ở đầu dù phần vỏ của hoa quả còn đẹp vì có thể là do hoá chất bảo vệ thực vật nhưng thực chất bên trong hoa quả đã bị hỏng.
Trong quá trình mua hoa quả người tiêu dùng cần lưu ý, tất cả các hiện tượng bất thường như quả quá non, xanh, hoặc chín quá đều, đẹp không bình thường là dễ có hóa chất bảo vệ thực vật.
Hoa quả nhiễm hóa chất thường có mùi hắc, khó chịu do khi phun thuốc xong, người ta chưa để thời gian cách ly đủ mà đã đem ra thị trường.
Cách kiểm tra hoa quả có an toàn không khá đơn giản. Đó là khi mua hoa quả, bạn để trong túi nilon, túm lại trong chốc lát, rồi mở ra ngửi. Nếu có hóa chất tồn dư thì sẽ có mùi hơi hắc.
Do đó, bất cứ loại hoa quả nào khi mua về, trước khi ăn hoa quả, người tiêu dùng nên ngâm trái cây trong nước muối loãng khoảng 30 phút để làm tan dư lượng hóa chất bảo quản ngấm vào vỏ, và nên gọt, bóc vỏ trước khi ăn. Đặc biệt, khi bổ ra mà thấy ruột có dấu hiệu nhũn, màu khác thường thì không nên sử dụng.
Theo vietq.vn