Theo The Engineer, cơ sở của hệ thống xác thực quang học là loại cát thông thường, có pha thêm tạp chất của 3 nguyên tố đất hiếm – europium, terbium và dysprosium – mỗi loại đều phát sáng dưới ảnh hưởng của các bước sóng khác nhau.
Trong đó, một miếng băng keo nhỏ được nhúng vào bình chứa cát và hàng ngàn hạt cát tích tụ trên băng dính đó tạo thành một hoa văn độc đáo rộng vài milimet. Những mẫu in như vậy sau đó có thể được đưa lên bề mặt kim loại, thủy tinh hoặc da.
Sau khi đánh dấu bằng một nhãn hiệu như vậy trên sản phẩm, sản phẩm được chụp ở các bước sóng khác nhau và 3 hình ảnh với các hạt europium, terbium và dysprosi được kết hợp thành một, được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số trong cơ sở dữ liệu của nhà sản xuất. Theo tính toán của các nhà phát minh, khả năng mã hóa của hệ thống hầu như loại trừ hoàn toàn việc giả mạo.
Hệ thống đánh dấu các mặt hàng bằng cát có thể chấm dứt tình trạng bán hàng giả sẽ được tung ra thị trường vào năm tới. Ảnh: Một thế giới
Thomas Justs Soronsen, một nhà hóa học tại Đại học Copenhagen, cho biết: “Khả năng hai sản phẩm sẽ bị dán “nhãn giống nhau” thấp đến mức trong thực tế có thể được coi là không đáng kể.
Hệ thống này sẽ tương đối rẻ tiền – chi phí áp dụng một nhãn sẽ khoảng một krone Đan Mạch (khoảng 3,834.00 đồng) .Phát minh đã được cấp bằng sáng chế và bây giờ các nhà nghiên cứu hiện đang thiết lập công nghệ quét. Dự kiến rằng nhãn dán chống hàng giả sẽ được tung ra thị trường trong năm tới.
Nói tới nạn hàng giả, nhất là tại Việt Nam nó đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Hàng giả, hàng nhái để lại hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường, trở nên một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng.
Với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, triệt đường phát triển của các doanh nghiệp nội và gián tiếp đánh mất “lợi thế” thị trường, “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhãn hàng lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong khi đó, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất.
Mặt khác, người tiêu dùng chưa trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và có tâm lý e ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng vì chưa nắm vững luật pháp.
Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan.
Quả thật để tiêu diệt nạn hàng giả hàng nhái là một cuộc chiến gay go, đòi hỏi nỗ lực của mọi người mọi ngành, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng, chứ không chỉ là việc của cơ quan quản lý hay lực lượng chức năng.
Bối cảnh này, đòi hỏi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái phải thực sự đi vào thực chất… Có như vậy mới có thể bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp hiệu quả cũng như tạo dựng một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.
An Dương (T/h)