Ngày 23/1, Công an tỉnh Hà Nam cho biết trên báo Dân trí, vừa qua Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam đã phát hiện và bắt quả tang đối tượng Dương Thị Thắm (SN 1977) ở xóm 6, xã Đồng Lý, Lý Nhân đang vận chuyển 15kg bột ngọt mang nhãn hiệu A. nghi là hàng giả tại địa phận Thôn Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân.
Phía cơ quan Công an đã tiến hành khám xét tại nhà riêng của Dương Thị Thắm đã thu giữ thêm 6 bao tải bột ngọt nhãn hiệu Trung Quốc có trọng lượng 150kg cùng một số tang vật có liên quan.
Số lượng mì chính bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: Dân trí
Tại cơ quan công an, bước đầu Thắm khai nhận đã mua mì chính của Trung quốc loại 25kg/1 bao tại Nam Định, sau đó mua vỏ bao giả nhãn hiệu A.; mua máy ép nilon về để tự đóng gói rồi mang đi tiêu thụ tại các chợ thuộc khu vực Duy Tiên và Lý Nhân.
Trước đó, Công an thành phố Hà Tĩnh vừa triệt phá 2 cơ sở sản xuất, đóng gói mì chính (bột ngọt) giả quy mô lớn trên địa bàn, thu giữ 1,45 tấn mì chính giả gắn mác nhiều thương hiệu nổi tiếng.
Theo đó,vào trưa 17/1, trao đổi với Thanh Niên, đại úy Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Công an thành phố Hà Tĩnh, xác nhận thông tin trên và cho biết chủ 2 cơ sở sản xuất, đóng gói mì chính giả vừa bị bắt là bà Phạm Thị Thu Thủy (43 tuổi) và Võ Thị Lý (49 tuổi), cùng trú tại xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh.
Vào cuộc điều tra, công an phát hiện các tiểu thương Phạm Thị Thu Thủy và Võ Thị Lý, ngoài kinh doanh bán mì chính giả tại chợ, còn mua nguyên liệu mì chính, bao bì sản phẩm, máy móc… xuất xứ Trung Quốc để sản xuất, đóng gói với quy mô lớn.
Công an thu giữ 40 gói mì chính giả tại 2 ki ốt ở chợ thành phố Hà Tĩnh do Thủy và Lý làm chủ. Qua nắm tình hình trên địa bàn các chợ ở thành phố Hà Tĩnh, Công an thành phố Hà Tĩnh phát hiện một số tiểu thương thường xuyên kinh doanh mặt hàng mì chính giả đóng mác các nhãn hiệu lớn như: Ajinomoto; Miwon, Saji… với số lượng lớn.
Nói về tác hại khi ăn phải mì chính không rõ nguồn gốc, TS. Nguyễn Thị Lâm – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết trước đó trên báo Sức khỏe & Đời sống, tùy vào bản chất của loại mì chính không rõ nguồn gốc như: có đủ hàm lượng mì chính, có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), có đáp ứng về mặt các tiêu chuẩn (vi sinh, kim loại nặng, độc chất,…) hay không mới có thể kết luận chính xác loại mì chính này có tác hại như thế nào.
Khi mua và sử dụng phải loại sản phẩm này, trước mắt, người tiêu dùng đã bị mất tiền oan, nếu không đảm bảo về mặt ATVSTP thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến cơ thể như gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Nếu như có các chất độc hại sẽ ảnh hưởng đến các chức năng gan thận của cơ thể.
Cũng về vấn đề này, TS. Lê Thị Hồng Hảo – Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia cho biết, việc sử dụng mì chính giả sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng, không bảo đảm ATVSTP, về lâu dài sẽ dẫn tới việc các chất độc hại tích tụ trong cơ thể và gây ra các bệnh mạn tính…
Không chỉ riêng mì chính, tất cả các loại phụ gia nếu không có tiêu chuẩn chất lượng ATVSTP thì không được sử dụng trong thực phẩm. TS. Hảo cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua mì chính ở những cửa hàng có uy tín, bên cạnh đó nên tìm hiểu nhãn mác, tem bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng của sản phẩm.
An Dương (T/h)