Lo ngại chất lượng các sản phẩm trong nước, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang sẵn sàng lùng mua thực phẩm nước ngoài như sữa trẻ em cao cấp, vitamin, mật ong Australia.
Từ chối hàng nội
Đời sống ngày càng khá giả, kinh tế ổn định khiến nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc mạnh tay chi tiền vào các sản phẩm ngoại nhập, chủ yếu là nguồn gốc từ Australia. Sữa bột trẻ em, vitamin và mật ong là những sản phẩm được ưa chuộng nhất.
Nguyên nhân của tình trạng “sính hàng ngoại” được cho là do người dùng sợ những sản phẩm trong nước không được kiểm định an toàn thực phẩm đầy đủ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Sau gần ba thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng tăng mạnh.” – Ông Angus Nicholson, nhà phân tích thị trường tại IG, cho biết. “Tuy nhiên, có một sự thật đang tồn tại là người Trung Quốc ngày càng có nhu cầu mua các sản phẩm từ thương hiệu nổi tiếng tại nước ngoài thay vì sản phẩm nội”.
Chỉ số nhập khẩu là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Từ việc nhập khẩu những kim loại sản xuất như sắt và than đá, giờ đây lượng hàng hóa tiêu dùng được nhập từ Australia lại đang bùng nổ tại Trung Quốc. Bên cạnh những mặt hàng nổi tiếng như thịt bò, sữa uống thì sữa bột cho trẻ em, thực phẩm bổ sung vitamin và mật ong cũng được hưởng lợi.
Năm 2015, giá cổ phiếu của Blackmores, một nhà cung cấp các sản phẩm vitamin và thực phẩm chức năng, đã có thời điểm đứng đầu thị trường chứng khoán Australia với mức giá 217,98 đô la Australia, tăng 534,03%. Lợi nhuận ròng trong 6 tháng cuối năm tăng 160% so với hồi đầu năm. Trong đó, doanh số bán hàng cho khách Trung Quốc chiếm 40%.
Hãng sữa bột Bellamy của Australia cũng tăng giá cổ phiếu hơn 700%, lợi nhuận ròng tăng 325% trong nửa sau năm 2015. Công ty sữa A2, đối thủ của Bellamy cũng tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, công ty Capilano, doanh nghiệp sản xuất mật ong lớn nhất Australia cũng có lợi nhuận tăng gần 53%.
Sữa bột Úc “sốt điên cuồng”
Ông Bejamin Sun, tư vấn tiếp thị kỹ thuật số, cho biết các thương hiệu sữa như Bellamy và A2 được tin cậy tai Trung Quốc vì chúng được bán trong các siêu thị kiểu Australia như Coles và Woolworths: “Người Trung Quốc nghĩ rằng nếu trẻ em Australia có thể dùng sữa bột này thì nó cũng an toàn với trẻ em Trung Quốc”.
Chính vì cơn sốt điên cuồng như vậy mà sữa bột Australia thường xuyên bị cháy hàng tại Trung Quốc. Nhiều siêu thị lớn còn áp đặt giới hạn mỗi khách chỉ được mua 2 – 4 hộp sữa/ lần. Nhiều cửa hàng đồ chơi sẵn sàng dẹp thú nhồi bông, da cừu,… để nhường chỗ bán sữa bột, mật ong, thực phẩm chức năng,… để kiếm lời.
Và khi thị trường khan hiếm cũng là lúc chợ đen hàng xách tay lên ngôi. Daigou, những người sẵn sàng nhận chuyển hàng từ Australia về Trung Quốc an toàn, đang trở thành một xu hướng tại quốc gia đông dân nhất thế giới.Hiện có khoảng 5000 – 10.000 Daigou tại Australia, họ có thể là sinh viên du học cho đến doanh nghiệp, công nhân. Những Daigou liên lạc với khách thông qua WeChat, một số người còn mua hẳn gian hàng trên Alibaba để liên hệ cho dễ. Mặc dù chi phí đắt nhưng người Trung Quốc vẫn vui vẻ chi tiền, cũng một phần vì chính sách một con trước đó.
“Những người được sinh ra trong những năm 1980 chỉ được phép sinh một con. Và giờ đây, một thực trạng xảy ra là họ không chỉ có một con mà còn chỉ có một cháu.” – Ông Sun nói. “Chính vì thế, toàn bộ gia đình, cả ông bà, đều chỉ nuôi một đứa trẻ”.
Và tất nhiên, mọi nguồn lực tài chính sẽ dồn cho em bé để có điều kiện tốt nhất.
Peter Barraket, người đứng đầu chuỗi cửa hàng thực phẩm chức năng tại Sydney có tên Mr. Vitamin, cho biết khách hàng Trung Quốc đã thay đổi dần thói quen mua hàng trong khoảng 2 năm gần đây khi họ quan tâm đến thương hiệu và dễ chạy theo số đông.