Dùng vỉa hè làm kho chứa, lấy mền, bao bì cũ, rách rưới để che đậy; nước đá viên đựng trong bao nhựa tái chế, nước đá cây đặt dưới nền nhà, dẫm cả giày dép lên.
Đá tinh khiết đổ đống trên vỉa hè
Đại lý nước đá là cầu nối trong chuỗi cung ứng mặt hàng này từ nhà máy sản xuất đến nơi tiêu thụ là các nhà hàng, quán ăn, cà phê, quán nhậu, giải khát bình dân… Thế nhưng, chứng kiến cảnh các cơ sở này bảo quản, phân phối đá, người dùng sẽ giật mình.
Tại TP HCM có gần 200 cơ sở sản xuất nước đá cây và đá viên cung cấp cho thị trường 10 triệu dân. Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho biết, ước tính sản lượng tiêu thụ nước đá mỗi ngày là 500 tấn. Con số này thực tế rất nhỏ bé so với thực tế.
Theo đại diện Công ty sản xuất nước đá Hạnh Phước (Bình Tân), chỉ riêng 2 xưởng của công ty đã cung ứng mỗi ngày 150 tấn nước đá viên và 3.500 cây đá cây (khoảng 175 tấn). Một công ty lớn khác (trụ sở quận Bình Thạnh) cũng tiết lộ, lượng hàng bán ra đạt được 500 tấn mỗi ngày.
Với sản lượng lớn, phân phối rộng khắp, nên hầu hết các cơ sở nước đá không bán trực tiếp vào nhà hàng, quán ăn mà qua các đại lý. Gọi là “đại lý”, nhưng hầu hết đều không có đăng ký kinh doanh, không được kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đại lý này thường cho nhân viên vận chuyển đá sử dụng những chiếc xe máy cũ, quá hạn sử dụng, nhiều chiếc không còn thắng, vô cũng nguy hiểm cho người đi đường.
Tại một đại lý nước đá gần chợ tạm Phước Kiểng (đường Lê Văn Lương, Nhà Bè), đá cây được chất đống và phủ bằng những bao gai cũ, đen đúa. Tại đây còn trang bị máy cưa đá trước khi đem giao, nhưng lưỡi cưa rỉ sét, máy cũ kỹ. Khi không hoạt động, máy được tận dụng để phơi quần áo, nhìn hết sức nhếch nhác, tạm bợ.
Tại trung tâm TP HCM, điều kiện vệ sinh cơ sở phân phối nước đá cũng không khá hơn. Trên đường Trương Định (quận 3), một đại lý được bố trí “dã chiến” trên vỉa hè, mặc khói bụi, xe cộ.
Khu vực gần chợ Vườn Chuối (quận 3) có tới mấy đại lý nước đá. Dù có tủ cách nhiệt nhưng chỉ sử dụng một phần, còn hơn phân nửa lượng đá tại đây chất đống dưới vỉa hè, rác rưởi, thậm chí trước cửa nhà vệ sinh.
Nước đá không đảm bảo vệ sinh không chỉ được giao cho quán bình dân, vỉa hè mà còn lọt cả vào các chuỗi cà phê, nhà hàng sang trọng.
Ngay tại khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, hàng ngày vẫn có một xe máy cũ, không biển số, kéo theo các bao đá nước nhỏ giọt khắp đường vô cùng phản cảm, đưa đá vào những nhà hàng, quán ăn mà người ít tiền không dám lui tới.
Làm đá bẩn sẽ bị bêu tên
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM, cho biết, kết quả lấy mẫu nước đá tại nơi sản xuất đã phát hiện 12/22 cơ sở nhiễm vi sinh. Đây là điều hết sức báo động, vì nước đá là sản phẩm dùng liền, trực tiếp, không qua xử lý sơ chế, đun nấu,…
Để khắc phục tình trạng này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã yêu cầu các cơ sở phải kiểm soát chất lượng nguồn nước. Phải xử lý nước đảm bảo chất lượng dành cho ăn uống (với 109 chỉ tiêu) trước khi đưa vào đông đá. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 77 cơ sở sản xuất sử dụng nước giếng khoan không kiểm soát, hoặc kiểm soát chưa hết các chi tiêu chất lượng. Việc nước làm đá không đảm bảo có thể tồn dư các kim loại nặng, hóa chất, vi sinh,… gây ngộ độc cấp tính và mãn tính cho người sử dụng.
Với các cơ sở kiểm soát được nguồn nước thì nước đá có nguy cơ nhiễm khuẩn do bao bì, vận chuyển không đảm bảo vệ sinh. Hiện nay, phần lớn nước đá viên đựng bao PP (loại bao hở), là loại nhựa tái sinh, không đảm bảo để đựng thực phẩm dùng ngay. Quy định của nước đá là phải sử dụng bao bì kín và vận chuyển, bảo quản hợp vệ sinh.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM vừa có văn bản hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải nhận nước đá từ nguồn đảm bảo chất lượng, đầy đủ hồ sơ pháp lý, và được đựng trong bao bì kín, vận chuyển bằng xe chuyên dụng, nhiệt độ phù hợp.
Từ sau ngày 15/8, các đoàn thanh kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống. Cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Zing