Chỉ thị của Bộ NN&PTNT đã chỉ đích danh 14 doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thú y an toàn thực phẩm đã được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong năm 2016 và 2017. Hành vi vi phạm gồm: giết mổ lợn chết, không giấy phép, tiêm thuốc và gia súc, vứt xác động vật ra đường,….
14 doanh nghiệp thuộc 4 nhóm vi phạm khác nhau.
Nhóm một là các doanh nghiệp vi phạm các lĩnh vực như giết mổ lợn chết, lợn bệnh để chế biến thực phẩm tại Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bến Tre.
Nhóm 2 là các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến sảm phẩm động vật tại các cơ sở, địa điểm không có giấy phép hoạt động, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm hoặc không được kiểm soát thú ý tại Hà Nam, TP.HCM, Hà Tĩnh. Nhóm 3 là một số doanh nghiệp, cá nhân tiêm thuốc an thần, bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ để gian lận thương mại và gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng tại Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang.
Cuối cùng, nhóm 4 là các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân vứt xác động vật ra môi trường gây ô nhiễm và làm lây lan dịch bệnh động vật tại Hưng Yên, cao Bằng.
Chỉ thị của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chỉ ra nguyên nhân chính dẫn tới còn tồn tại tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm do còn nhiều bất cập trong công tác thanh, kiểm tra. Bộ trưởng chỉ đạo các địa phương cần thực hiện nghiêm việc đảm bảo thực thi pháp luật đến vấn đề nêu trên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh cần chấm dứt tình trạng buôn bán, giết mổ gia sức, gia cầm chết; vứt xác ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, cần chấn chỉnh hoạt động giết mổ, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với cơ quan có thẩm quyền liên quan, Bộ trưởng yêu cầu cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, công tác tuyên truyền giáo dục, kiểm soát vận chuyển thực phẩm bẩn trên địa bàn.
Danh sách 14 doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân vi phạm pháp luật về thú y an toàn thực phẩm đã được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng trong năm 2016 và 2017:
Cơ sở sản xuất mỡ lợn của bà Trần Thị Loan (Tiên Tân, Phủ Lý, Hà Nam).
Cơ sở giết mổ của ông Bằng Văn Rổ (Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc).
Cơ sở kinh doanh của ông Sài (Đức Hồng, Trùng Khánh, Cao Bằng).
Cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt lợn của bà Nguyễn Thị Nụ (Ngọc Sơn, Tứ Kỳ, Hải Dương).
Cơ sở kinh doanh giết mổ lợn của ông Phạm Quốc Tuân (Thị trấn Vương, Tiên Lữ, Hưng Yên).
Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thiên Trường (Hạ Long, Hạ Long, Quảng Ninh).
Gia đình bà Điện Thị Hương (Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh).
Lò mổ số 7, đường 5, khu phố 4 (phường Bình Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM).
Cơ sở của ông Trần Quốc Thái (Hòa Lợi, Bến Cát, Bình Dương).
Cơ sở giết mổ của ông Ninh Văn Trình (Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai).
Cơ sở sản xuất bò viên của bà Cao Thị Huyền (Bình Hòa, Tân Trụ, Long An).
Lò mổ giết mổ của ông Bùi Ngọc Quy (Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Văn Tra (Nhuận Phú Tân, Mỏ Cày Bắc, Bế Tre).
Cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Mạnh Hùng (Tri Tôn, An Giang).
Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường, thú y, cơ quan công an sẽ tăng cường mở các chuyên án đấu tranh triệt phá tận gốc các tổ chức, đường dây có hành vi giết mổ, buôn bán, chế biến động vật chết, chế biến thành thực phẩm, vứt xác động vật chế ra môi trường. Chỉ thị nhấn mạnh, bất cứ hành động vi phạm nào sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Hiếu Công (news.zing.vn)